Dân Việt

4 hướng đi khó của nông dân

01/02/2013 15:56 GMT+7
(Dân Việt) - Theo nghiên cứu định tính “Đời sống gia đình Việt Nam trong bối cảnh biến động giá lương thực” vừa được công bố, người nông dân đang đi theo 4 hướng: Tiếp tục việc đồng áng như trước đây, bán đất và làm mướn cho những gia đình giàu hơn, đi làm thuê hoặc trở thành ông chủ.

Tuy nhiên, những người nông dân kiên trì bám trụ với đất lại than phiền về chất lượng cuộc sống sa sút. Đầu tư về thời gian, tiền bạc và sức lao động tăng lên, trong khi sản lượng và thu nhập lại dao động bất thường vì sự biến động của giá cả thị trường. Họ thường xuyên phải vay mượn để sản xuất, nhưng vì lãi suất cao, họ không thể thoát ra khỏi tình trạng nợ nần. Thu nhập không ổn định khiến cho tình hình tài chính của gia đình càng trở nên tồi tệ.

Bộ phận bán đất, đi làm thuê cho các ông chủ đất khác thì công việc bấp bênh. Quá trình công nghiệp hóa đã làm nhiều lao động dư thừa. Nhiều thanh niên bỏ làng, bỏ đất ra đi tìm kiếm các cơ hội việc làm mới. Tuy nhiên, do không có trình độ, không được đào tạo nên thu nhập của họ cũng chỉ đủ trang trải nơi đất khách quê người. Lao động tự do, thủ công khiến thanh niên nông thôn lại đối mặt với các tệ nạn xã hội và bệnh tật. Lúc đó, vòng quay đói nghèo sẽ lại tiếp tục.

Đa số người nông dân đang lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan trong việc tìm cách thích ứng với những biến động diễn ra trong cuộc sống. Trong khi đó, giá lương thực và các đồ dùng thiết yếu tăng hàng ngày. Chính vì thế, số người cảm thấy cuộc sống của mình được “cải thiện đáng kể” cũng giảm từ 35% xuống còn 29%. Còn số người cho biết cuộc sống “thực sự giảm sút” lại tăng từ 4,7% lên 6,4%.

Đặc biệt, những gia đình nghèo đói lại thường gặp rủi ro như thiên tai, ốm đau, dịch bệnh. Điều đó như cái vòng luẩn quẩn khiến những hộ nghèo không có cơ hội “ngóc đầu dậy”. Có khá nhiều chính sách Nhà nước dành ưu ái cho người nghèo như bảo hiểm y tế, trợ cấp xã hội, ưu tiên vay vốn… Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích, chính sách nhà nước vẫn còn quá vĩ mô khiến người nghèo chưa tiếp cận được. Chính sách bình ổn giá lại chỉ phù hợp với “người giàu” vì chủ yếu tập trung ở cửa hàng, siêu thị hoặc các đô thị lớn…

Theo các chuyên gia, muốn cải thiện đời sống cho hộ gia đình, nhất là hộ nghèo, hộ vùng sâu vùng xa, các chính sách nên chia nhỏ các hộ gia đình, đặc biệt là hộ nghèo thành nhiều nhóm có đặc điểm khác nhau để có hỗ trợ sát với nhu cầu của họ. Như vậy, sự nhân văn trong các Chính sách của Nhà nước ta cũng sẽ không thể phát huy được hiệu quả.