Dân Việt

Thủ tướng trăn trở về cơ chế nâng cao năng suất lao động

Thuỳ Anh 24/09/2018 16:53 GMT+7
Chiều nay, 24.9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Chính phủ đã có cuộc chia sẻ với các đại biểu tham dự diễn đàn “Cùng cả nước nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”, trong khuôn khổ của Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII.

img

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại diễn đàn Đại biểu tham gia diễn đàn "Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước". (Ảnh: T.A)

Những trăn trở của Thủ tướng

Trao đổi tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vai trò của năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước. 

“Nói đến năng lực cạnh tranh quốc gia là đề cập tổng hợp các yếu tố: Thể chế, chính sách, năng lực vận hành nền kinh tế và các nhân tố quyết định mức độ hiệu quả, năng suất trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh, mang lại sự thịnh vượng bền vững cho quốc gia” – Thủ tướng đề cập.

Thủ tướng cho rằng phát triển bền vững là phát triển đáp ứng được nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường.

Thủ tướng đặt ra nhiều câu hỏi cho đại biểu về các vấn đề liên quan tới thời cơ và thách thức trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đánh giá về năng suất lao động và cơ chế thay đổi năng suất lao động ở Việt Nam; người lao động cần làm gì để ứng dụng khoa học công nghệ…?

Trả lời câu hỏi của Thủ tướng về thách thức và thuận lợi mà Việt Nam đang phải đối mặt, ông Trần Quang Huy – Chủ tịch Công đoàn ngành Công Thương cho rằng, bên cạnh thuận lợi Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức về trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; những thách thức về sự thoái vốn Nhà nước;…

Trước thực tế trên, ông Huy đề xuất: “Chính phủ cần quyết tâm xây dựng chính phủ kiến tạo, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển; thứ hai tăng cường đào tạo lao động chất lượng cao để ứng phó với cách mạng 4.0. Hướng tới đầu tư để lao động có thể học tập suốt đời; thêm nữa tăng cường giảm sự phân hoá giàu nghèo; hỗ trợ công đoàn xây dựng nhà ở, khu sinh hoạt cho công nhân lao động”.

Cứ gia đình có cưới hỏi, lễ lạt là lại xin nghỉ

Chia sẻ thêm, đại biểu Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, thời gian qua kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực. Từ quý II.2017 nền kinh tế có sự đổi chiều tăng trưởng tốc độ cao hơn. Để có kết quả này, rõ ràng Chính phủ đã có những đổi mới mang tính toàn diện.

“Năng suất lao động của chúng ta đã tăng lên rất nhiều. Năng suất lao động đã đạt 102 triệu đồng/lao động. Mặc dù vậy năng suất lao động vẫn còn thấp hơn các quốc gia phát triển trong khu vực”, ông Lợi nói.

Ông Lợi cho rằng năng suất lao động thấp của chúng ta thấp là do trình độ lao động của chúng ta thấp, chưa qua đào tạo nghề. "Lao động của chúng ta đông, nhưng trình độ lao động thấp. Hiện nay chỉ có khoảng hơn 23-25 % lao động có bằng cấp, còn lại hơn 75% là lao động chưa có bằng cấp chứng chỉ, lao động có trình độ thấp", Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội tâm tư.

img

Đại biểu tham gia diễn đàn "Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước". Ảnh: T.A

Bà Nguyễn Khoa Hoài Hương – Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thừa Thiên Huế đồng tình với ý kiến của ông Bùi Sỹ Lợi. Bà Hương cho rằng hiện nay vấn đề thu nhập lao động thấp hơn cả thu nhập bình quân. Điều này không khuyến khích được lao động làm việc. Thêm vào đó, nhiều lao động đến từ các vùng quê, chủ yếu lao động từ nông nghiệp, chưa quen tác phong công nghiệp. Cứ gia đình có cưới hỏi, lễ lạt là lại xin nghỉ.

Trong khi đó, ông Trần Quý Dân – Chủ tịch công đoàn của Công ty may 10 cho rằng năng suất lao động thấp là do khâu đào tạo.

“Hiện nay chúng ta đào tạo nặng lý thuyết chứ không gắn với thực hành nên ra trường lao động không làm được. Thứ 2 lao động chưa có tác phong công nghiệp, không sắp xếp công việc khoa học. Thứ 3 là lao động còn chưa thích ứng, tận dụng được thế mạnh khoa học công nghệ, chưa sáng tạo” – ông Dân phân tích.

Ông Dân cho rằng, để có năng suất lao động cao, doanh nghiệp và người lao động cần có mối quan hệ chặt chẽ. Người lao động cần phải tự tin vào năng lực bản thân, để hội nhập. Lao động cũng cần phải chủ động tham gia ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất từ đó thay đổi năng suất lao động.

Cũng tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, khi đề cập tới năng suất cần phải nói đến vấn đề chuyển dịch cơ cấu lao động. Hiện nay tỷ lệ lao động ở lĩnh vực nông nghiệp nông thôn vẫn còn rất cao (chiếm 38%), đây chính là điều căn bản, cần thay đổi. 

“Muốn đẩy mạnh năng suất lao động cần giải quyết hài hoà nhiều yếu tố như: Đào tạo nghề; cải cách tiền lương; ứng dụng khoa học công nghệ; xây dựng môi trường doanh nghiệp…” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Cũng tại diễn đàn, Quyền Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã giải đáp thắc mắc của các đại biểu trong diễn đàn xung quanh việc đảm bảo an toàn mạng; giải quyết nhà ở cho công nhân; chất lượng lao động; chất lượng đào tạo… Chiều 24.9, Đại Hội đã biểu quyết thông qua điều lệ Công đoàn.