Mặc dù xuyên suốt bộ phim là những màn biểu diễn võ công đẹp mắt hay những pha tỉ thí gay cấn đầy kịch tính, cũng không thể phủ nhận rằng Diệp Vấn còn hơn cả một tác phẩm điện ảnh võ thuật. Dựa trên những dấu mốc có thật trong cuộc đời của nhất đại tông sư, cả ba phần của bộ phim đã thành công khi xây dựng một hình tượng nam tử hán đại trượng phu, một bậc anh hùng trọng nghĩa trọng tình, một đại sư phụ danh tiếng lẫy lừng, và đặc biệt là một người chồng, người cha hết mình vì vợ con.
Mặc dù vậy, Diệp Vấn là một tác phẩm điện ảnh chứ không phải tư liệu lịch sử. Vì vậy, bên cạnh những dữ kiện thực tế còn có không ít yếu tố hư cấu được lồng ghép đan xen. Và tất nhiên, còn rất nhiều câu chuyện thú vị khác trong cuộc đời tông sư Diệp Vấn mà phim ảnh vẫn chưa khai thác đầy đủ. Bài viết này xin giới thiệu với các bạn một vài câu chuyện trong số đó.
Diệp Vấn là truyền nhân đời thứ 7 của võ môn Vịnh Xuân quyền
Nhắc đến Diệp Vấn là nhắc đến Vịnh Xuân quyền, và nhắc đến Vịnh Xuân quyền cũng không thể không nhớ đến sư phụ Diệp Vấn – người đã có công truyền bá môn phái ra ngoài biên giới Trung Hoa Đại Lục. Nhiều người có thể cho rằng Diệp sư phụ là người sáng lập ra phái môn, nhưng trên thực tế, ông chỉ là truyền nhân đời thứ 7 của Vịnh Xuân quyền.
Lịch sử Vịnh Xuân mang nhiều giai thoại và truyền thuyết khác nhau. Khó có thể khẳng định chắc chắn do tất cả chỉ là truyền miệng và thiếu đi những dữ liệu lịch sử chính xác. Có thuyết cho rằng Vịnh Xuân bắt nguồn từ Chí Thiện cao tăng ở Thiếu Lâm tự; có thuyết lại cho rằng Vịnh Xuân khởi thủy từ một người tên là Trương Ngũ dưới triều Ung Chính… Ở đây, chỉ xin kể lại câu chuyện được chính Diệp sư phụ truyền lại cho các đệ tử của mình.
Theo tông sư Diệp Vấn, người sáng tạo ra những chiêu thức tiền khởi của Vịnh Xuân quyền là Ngũ Mai sư thái – một trong “Ngũ tổ Nam Thiếu Lâm” huyền thoại. Từ một lần tình cờ quan sát trận chiến giữa rắn và hạc (xà hạc tương tranh), với nền tảng võ công thâm hậu của mình, bà đã kết hợp cái âm nhu (tượng trưng cho đất) của xà và thanh cao (tượng trưng cho trời) của hạc để tạo nên một hệ thống mới.
Trong một lần xuống núi, Ngũ Mai gặp một thôn nữ tên là Nghiêm Vịnh Xuân. Bà đã truyền lại các bí kíp võ công cho Vịnh Xuân để giúp cô tự vệ trước một tên cường bạo háo sắc trong vùng. Về sau, Vịnh Xuân truyền lại môn võ này cho chồng cô là Lương Bác Trù, và ông lại tiếp tục truyền dạy cho các đệ tử đời sau này.
Theo phả hệ Vịnh Xuân quyền, Trần Hoa Thuận là truyền nhân đời thứ 6, đồng thời cũng là sư phụ đầu tiên của đại tông sư Diệp Vấn. Các kỹ thuật võ công của Diệp Vấn đã vô cùng thâm hậu do được sư phụ Trần Hoa Thuận và các sư huynh chỉ dẫn, sau này lại đạt tới đỉnh cao khi theo học sư bá Lương Bích. Nếu như trước kia Vịnh Xuân quyền chỉ được truyền dạy cho một số ít đệ tử, thì đến thời Diệp Vấn, hệ phái này đã mở rộng cửa cho đông đảo những người đam mê võ thuật theo học.
Một đồng môn của Diệp Vấn tên là Nguyễn Tế Công, cũng là học trò của Trần Hoa Thuận và Lương Bích, trở thành sư tổ của Vịnh Xuân quyền Việt Nam.
Cậu bé 11 tuổi tầm sư học võ
Từ nhỏ, Diệp Vấn đã là một cậu bé say mê võ thuật. Nhờ gia cảnh giàu có, Diệp Vấn có đủ mọi điều kiện để theo đuổi đam mê của mình.
Câu chuyện Diệp Vấn tầm sư học võ được các môn đồ của ông kể lại cho nhau. Có người cho rằng Diệp Vấn bắt đầu luyện võ từ năm 7 tuổi, có người kể là 9 tuổi, lại cũng có người tin đó là năm 13 tuổi. Tuy nhiên, theo bài phỏng vấn Diệp sư phụ đăng trên tạp chí New Martial Hero của Hồng Kông, thì Diệp Vấn chính thức bái sư khi mới 11 tuổi.
Vào thời ấy, các bậc thầy võ công vô cùng khắt khe khi tuyển chọn đệ tử. Trước khi chấp nhận một học trò, họ cần tìm hiểu kỹ lưỡng bản tính của người ấy. Một yêu cầu nữa là phải có đủ tiền theo học. Diệp Vấn kể rằng, ông phải đóng 20 lượng bạc để được bái sư và thêm 8 lượng bạc học phí trong mỗi tháng sau đó.
“Với 20 lạng bạc, anh sẽ có đủ tiền cưới vợ – nếu như biết chi tiêu hợp lý. Còn nữa, không cần quá 1 lạng rưỡi bạc là có thể mua được 1 bịch gạo (60 kg)”, sư phụ Diệp cho biết. “Đó là lý do tại sao mà vào thời đó, hầu hết những ai học công phu đều là người giàu có. Họ có thể bỏ lại công việc và sống tại các ngôi đền cổ sâu trong núi để luyện võ. Điều ấy không giống với ngày nay, khi mà mọi người đều dễ dàng học công phu ở bất cứ nơi đâu”.
Còn theo lời kể từ đệ tử của Diệp tông sư là Trương Trác Khánh (William Cheung), thì cậu bé Diệp Vấn thường hay lui tới ngôi đền cổ để quan sát bậc thầy Trần Hoa Thuận chỉ dẫn cho các môn đệ Vịnh Xuân quyền. Một ngày, cậu đến trước mặt Trần sư phụ và xin được làm đệ tử của ngài.
Diệp Vấn khi đó chỉ là một cậu nhóc tì, trong khi những người bái kiến Trần Hoa Thuận đều trên dưới 30 tuổi. Vì vậy, lúc đầu Trần đại sư không mấy để ý đến cậu bé con ấy. Ông nói sẽ chỉ đồng ý nếu như cậu nhóc có thể trả một lượng bạc lớn. Trần Hoa Thuận không ngờ rằng, ngay ngày hôm sau, cậu bé đã mang đầy đủ số tiền đến gặp ông. Đó là khoản tiền lớn mà người ta có thể mua được cả một căn nhà! Liệu có điều gì mờ ám ở đây chăng?
Trần Hoa Thuận bèn đưa Diệp Vấn đến gặp cha mẹ cậu để làm rõ thực hư. Khi biết rằng đó là số tiền mà cậu bé dành dụm được, ông vô cùng cảm kích tinh thần hiếu học của Diệp Vấn. Cha mẹ cậu cũng nhìn thấy đam mê của con trai mình mà chấp nhận cho Diệp Vấn theo đuổi con đường võ công.
Trong suốt cuộc đời, Trần Hoa Thuận chỉ chấp nhận 16 môn đồ, và Diệp Vấn là học trò cuối cùng, cũng là đệ tử nhỏ tuổi nhất khi ông đã ngoài 70.
Trần Hoa Thuận nhìn thấy ở Diệp Vấn một khí chất đặc biệt và một năng khiếu võ thuật hiếm có. Vì vậy, ông rất mực chăm chút, chỉ dạy cho Diệp Vấn các bí kíp võ công, đồng thời căn dặn đệ tử của mình coi sóc người huynh đệ nhỏ tuổi.
Từ hồi ức của học trò Lý Tiểu Long
Trong cuốn “Bruce Lee: The Man Only I Knew”, vợ cũ Linda C. Emery đã trích dẫn bài luận mà chồng bà, Lý Tiểu Long, viết năm 1961. Đó là những dòng tâm sự của nam tài tử võ thuật họ Lý, qua đó cũng thể hiện hình ảnh sư phụ Diệp Vấn khi giảng dạy cho các đệ tử của mình.
Sau 4 năm vất vả luyện tập kungfu, tôi bắt đầu hiểu và cảm nhận được nguyên tắc dùng nhu khắc cương – nghệ thuật vô hiệu hóa nỗ lực tấn công của đối phương và giảm tiêu hao sức lực tối đa. Tất cả những điều này phải được thực hiện bằng sự bình tâm, không gắng gượng. Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng thực hành lại vô cùng khó khăn.”
“Thầy hướng dẫn tôi, tông sư Diệp Vấn, người đứng đầu trường phái Vịnh Xuân, thường nói với tôi rằng: ‘Hãy thư giãn và bình tâm lại. Hãy quên đi bản thân mình và xoay chuyển theo động tác của đối phương. Hãy để tâm trí con, điều thực tế cơ bản, tạo ra các phản đòn mà không cần đến sự can thiệp của bất cứ suy tính nào. Trên hết, hãy học cách buông bỏ’“.
“Sau nhiều giờ ngồi thiền và tập luyện, tôi bỏ cuộc và một mình dong chiếc thuyền buồm. Trên biển, tôi nghĩ về những lần tập luyện trước đây và rồi điên tiết với bản thân nên đã đấm tay xuống nước. Ngay sau đó – vào khoảnh khắc ấy – một suy nghĩ lóe lên trong tôi: Chẳng phải nước chính là tinh hoa của võ thuật sao? Tôi đánh vào nước, nhưng nó chẳng hề bị tổn thương. Một lần nữa tôi lại dùng hết sức đấm xuống nước, nhưng nó chẳng hề hấn gì cả. Tôi cố dùng tay nắm đầy nước, nhưng điều đó là không thể thực hiện. Nước, thứ vật chất mềm mại nhất thế giới này, có thể nằm vừa bất kỳ chiếc bình bé nhỏ nào. Và dù trông có vẻ yếu ớt, nước lại có thể xuyên thủng mọi loại chất cứng nhất trên thế giới. Đúng là như thế! Tôi muốn có được các đặc điểm tự nhiên của nước”.
“Đột nhiên một con chim bay qua, phản chiếu hình ảnh trên mặt nước. Lúc ấy tôi mới thấu hiểu bài học về nước, một cảm giác thần bí khác về ý nghĩa ẩn chứa được tiết lộ cho tôi. Chẳng phải các suy nghĩ và cảm xúc mà tôi có khi đứng trước đấu thủ rồi cũng sẽ trôi qua giống như chiếc bóng phản chiếu của con chim bay qua làn nước hay sao? Đây chính là những gì mà Diệp sư phụ muốn nói về việc ‘buông bỏ’ – đó là không kèm theo xúc cảm hay cảm giác, mà phải là người mà những xúc cảm bên trong không bị vướng mắc hay cản trở. Vì vậy, để làm chủ chính mình, đầu tiên tôi phải chấp nhận bản thân bằng cách thuận theo tự nhiên chứ không phải là chống lại nó.”
Đến lời kể của con trai Diệp Chính
Theo lời kể từ con trai thứ hai của Diệp Vấn là Diệp Chính, sinh thời, ông luôn đề cao việc chọn lựa tài năng võ thuật. tông sư từng nói rằng, để một người tìm được thầy dạy đã khó, nhưng còn khó hơn khi người thầy đi tìm đệ tử cho mình. Đối với người lấy việc dạy võ công làm kế sinh nhai thì quan điểm này đã chứng tỏ cái tâm của một người thầy. Và trong suốt cuộc đời mình, ông chưa từng treo biển hay làm quảng cáo, mục đích là để tìm được những học trò xứng đáng.
Cách dạy của Diệp Vấn là căn cứ vào trình độ của người học mà hướng dẫn. Tùy vào cá tính, thể lực, nhận thức, và năng lực tiếp thu của mỗi người mà ông thiết kế các bài giảng khác nhau. Và thay vì sử dụng các thuật ngữ cổ như Ngũ hành, Bát quái, ông đã khéo léo vận dụng kiến thức khoa học hiện đại để giải thích các nguyên lý trừu tượng của Vịnh Xuân quyền.
Trong những năm cuối đời, Diệp Vấn sư phụ vẫn đặc biệt quan tâm đến sự phát triển của Vịnh Xuân quyền đối với các thế hệ tương lai. Khoảng 6 tháng trước khi mất, ông yêu cầu hai con trai của mình là Diệp Chuẩn và Diệp Chính ghi lại các thế võ do chính ông thực hiện. Đoạn phim là tài liệu vô giá đối với các thế hệ môn đồ của trường phái Vịnh Xuân cho đến ngày hôm nay.