Tây Nguyên là vùng đất chuyên canh các loại cây công nghiệp dài ngày. Làm thế nào để xới đất khi các loại cây này đã khép tán xưa nay vẫn là bài toán nan giải. Bộ máy cày tời cáp cải tạo đất của anh Văn Tấn Đức (thôn Bình An, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, Gia Lai) ra đời đã giải bài toán này...
Vốn quê ở Bình Định, lên Gia Lai làm nghề rừng, mang danh “lâm tặc” nhưng chẳng đủ sống, Đức đành quay về với nương rẫy. Nơi anh lên lập nghiệp vốn là vùng chuyên canh nhiều loại cây công nghiệp, với chè, cà phê bạt ngàn. Nông dân ở đây từ lâu vẫn biết rằng để cây cho năng suất cao thì cần cày cải tạo đất. Tuy nhiên khi cây đã khép tán thì không thể dùng cơ giới hoặc trâu bò mà phải dùng sức người để cày. Thuê nhân công cuốc lật đất, đào hố ép xanh, số ngày lao động kéo dài, tiền công lại cao, ảnh hưởng đến thu nhập...
Anh Đức (phải) cùng nhóm thợ và chiếc máy cày tời. |
Trước thực tế này, anh Đức nảy ý định cải tạo lại lưỡi cày ruộng trước kia và dùng sức kéo từ chiếc máy công nông để kéo lưỡi cày lật đất… Ban đầu, đưa chiếc máy cày tời đã qua độ chế ra vườn, ngay lập tức anh đã thất bại. Chiếc máy cày quá nhẹ, không trụ nổi sức kéo, lật phăng đi, đứt gãy nằm một đống. Để trụ máy, anh chế bộ chân chống. Rất khó khăn bởi chỉ cần góc không đúng là máy lật ngay. Sau nhiều lần thất bại, cuối cùng bộ chân chống cũng thành công.
Tuy nhiên, khó nhất với anh vẫn là việc chế hộp số, bộ côn rời; chế lại các bánh răng để làm chậm lại vòng tua, tạo lực kéo mạnh cho lưỡi cày… Một vấn đề khác nảy sinh là lưỡi cày quá yếu, ban đầu, mỗi ngày đi cày phải đem 4 - 5 cái “sơ cua”. Mỗi lần gặp rễ cây lớn y như rằng chiếc lưỡi cày bị hỏng. Sau nhiều đêm mất ăn mất ngủ, ý tưởng dùng dao cắt rễ hiển hiện trong đầu anh… Và cuối cùng toàn bộ chiếc máy cày cải tạo đất đã hoàn chỉnh…
Bây giờ thì Đức “lâm tặc” không chỉ nhận thầu cải tạo đất vườn cho bà con trong xã mà cả ở thị trấn Chư Prông, các huyện Đức Cơ, Ia Grai... Với chiếc máy cày tời, mỗi luống cày dài tầm 130m chỉ thực hiện trong khoảng 8 phút. Anh cày mỗi ngày 2ha, luống sâu tới 35-40cm. Mỗi ha đất canh tác tùy loại cây mà anh nhận cải tạo với giá 1,5 - 3 triệu đồng. Với máy cày tời, Đức và nhóm thợ của mình có thể kiếm 200-250 triệu đồng/năm. Trong khi đó, chi phí tiền máy chỉ chừng 50-60 triệu đồng, làm chỉ vài tháng là hoàn vốn. Hiện 80% diện tích canh tác của người dân trên địa bàn xã đều do nhóm thợ của Đức thực hiện cày xới.
Ai có nhu cầu học hỏi kinh nghiệm, mua máy hoặc nhờ cày có thể liên hệ với anh Đức qua điện thoại: 0962140356.
Quốc Dinh