Dân Việt

Tự hào NDVN: "Chưa có giải báo chí nào về nông dân ý nghĩa như thế"

Hồng Liên - Tố Loan 25/09/2018 09:42 GMT+7
Chiều 24.9, Báo Nông Thôn Ngày Nay/Dân Việt đã tổ chức chấm chung khảo Giải báo chí toàn quốc “Tự hào Nông dân Việt Nam 2017-2018”.

img

Thành viên Ban Giám khảo trao đổi tại buổi chấm chung khảo. (Ảnh: Đàm Duy)

Cuộc thi có sức lan tỏa rộng khắp

Tại buổi chấm chung khảo Giải báo chí toàn quốc “Tự hào Nông dân Việt Nam 2017 - 2018”, ông Nguyễn Văn Hoài – Trưởng Ban Sơ khảo, thành viên Ban Giám khảo, Phó Tổng Biên tập Báo NTNN/Dân Việt cho biết, đã qua 5 năm tổ chức và là năm thứ 2 được nâng lên thành giải Báo chí quốc gia, “Tự hào Nông dân Việt Nam” luôn được giới báo chí đánh giá là một cuộc thi uy tín, có chất lượng, thu hút sự tham gia đông đảo của các nhà báo và những tác giả không chuyên khác.

Sau gần 1 năm phát động giải Báo chí toàn quốc “Tự hào Nông dân Việt Nam 2017-2018”, Ban Tổ chức đã nhận được gần 1.500 tác phẩm dự thi, trong đó có 1.132 tác phẩm gửi đến để đăng trên Báo NTNN/Dân Việt và 368 tác phẩm từ các chi hội nhà báo cả nước gửi về (gồm cả gửi đến Báo NTNN và gửi về Hội Nhà báo Việt Nam).

img

Nhà thơ Trần Đăng Khoa – Trưởng ban Giám khảo. (Ảnh: Đàm Duy)

Báo NTNN đã lựa chọn và đăng tải được 200 tác phẩm trên các số báo hàng ngày, báo điện tử Dân Việt. Ban Sơ khảo đã chọn ra 77 tác phẩm để chấm sơ khảo lần 1. Kết quả, sau khi chấm sơ khảo lần 1, Ban Sơ khảo đã lựa chọn được 25 tác phẩm vào chung khảo để Ban Giám khảo tiến hành chấm điểm.

Bước chuyển mạnh mẽ về nông nghiệp 4.0

Tại buổi chấm chung khảo, các thành viên Ban Giám khảo đều đánh giá cao việc tổ chức cuộc thi, nhiều tác phẩm đã khai thác được các chân dung với những cách làm mới, độc đáo như mô hình nuôi gà trên cát của ông Hoàng Công Điền ở Thái Bình, hay nông dân mạnh dạn trồng rừng gỗ lớn, một bước đi đột phá trong phát triển lâm nghiệp hiện nay.

"Nhìn chung mặt bằng các tác phẩm đồng đều và khá thú vị, tôi đánh giá cao những tấm gương làm giàu từ chính quê hương mình và đi lên từ 2 bàn tay trắng. Đây chính là những động lực truyền cảm hứng vô cùng lớn lao, giúp những nông dân khác thêm tự tin và tiếp tục kiên trì với mô hình làm giàu tại chính quê hương mình", nhà thơ Trần Đăng Khoa.

Việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp 4.0 cũng được phản ánh khá đậm nét, thể hiện sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển nông nghiệp, cho thấy nông dân đã dần theo kịp xu hướng như mô hình của ông Oanh 4.0 với phòng nuôi cấy mô các giống hoa quý ở Hưng Yên.

Mặc dù tiêu chí của giải là gương người thực, việc thực, nhưng đối tượng phản ánh trong các bài dự thi năm nay rất phong phú, không chỉ bó hẹp ở một chân dung điển hình mà còn là những hợp tác xã kiểu mới làm ăn hiệu quả, những mô hình tổ - đội hợp tác, là những nhóm người cùng say mê làm nông nghiệp sạch… 

Văn phong, cách thể hiện của các tác giả cũng rất hấp dẫn và đầy chất thơ, không bình bình, nhàm chán như hầu hết các bài viết về gương người tốt, việc tốt lâu nay. Đáng lưu ý, cuộc thi còn thu hút được những tác giả không phải là nhà báo chuyên nghiệp mà làm ngành nghề khác như giáo viên...

Nhà thơ Trần Đăng Khoa – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng Ban Giám khảo cuộc thi - bày tỏ: “Ban Giám khảo chúng tôi chấm độc lập, không hề có cuộc gặp gỡ, bàn bạc, nhưng khi khớp điểm lại với nhau khá đồng đều và thống nhất, thậm chí trùng khớp với nhau...”.

11 cây viết xuất sắc đoạt giải

11 gương mặt nông dân được giới thiệu qua 11 tác phẩm đoạt giải lần này đều là những nhân tố điển hình, có những đóng góp to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và chương trình xây dựng nông thôn mới. Mỗi người trong số họ đến với nghề nông theo một cách khác nhau, con đường làm giàu ít nhiều đều gian nan vất vả, nhưng có điểm chung là không dễ dàng khuất phục khó khăn, quyết tâm vươn lên.

Tại buổi chấm chung khảo, ông Trần Bá Dung - thành viên Ban Giám khảo  chia sẻ: “Tôi thực sự ấn tượng với 3 tác phẩm có cách viết rất hay, có sức nặng về ngôn ngữ báo chí. Có những câu chuyện có thể dựng làm phim, như “Ông Điền không… điên”, “Chuyện làm giàu “ngược đời” của lão nông Huỳnh Văn Hòa”. Đặc biệt là bài “Chủ tịch Hội Cựu chiến binh “bao đồng” việc làm giàu”.

Đây là tác phẩm có cách viết ít chỗ nào chê được và có nhiều điểm thú vị. Những bài viết đoạt giải đều có điểm chung là ghi nhận những sáng kiến vô cùng độc đáo của người nông dân, trong hoàn cảnh đầy khó khăn họ vẫn có những sáng tạo tuyệt vời. Những tác phẩm này đều có sức thuyết phục lớn…”.

Đó là hình ảnh ông Trịnh Văn Tiến, thôn 12, xã Đông Sơn, TP.Tam Điệp (Ninh Bình) một mình vác dao, rựa tiến về phía núi khai hoang mở đất cách đây hơn 20 năm để lập nên một trang trại nuôi con đặc sản (hươu, nai, dê, nhím, ngựa bạch…) giữa chốn thâm sơn cùng cốc.

Đến nay, trang trại của ông đã có 250 con hươu, nai, dê; 110 con ngựa; 100 con nhím; chưa kể lợn cắp nách, gia cầm các loại. Để chủ động tiêu thụ sản phẩm, ông mở hệ thống cửa hàng cung cấp thực phẩm sạch và nhà hàng ở TP.Tam Điệp. Nhờ cách làm ăn khép kín này, doanh thu của gia đình ông đạt hơn 10 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 24 lao động.

Nhưng hình ảnh nông dân thời đại mới không chỉ có vậy mà còn có những người trẻ dám nghĩ dám làm, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, như anh Nguyễn Văn Kết ở thôn Bắc Vọng, xã Bắc Phú (Sóc Sơn, Hà Nội) xây hẳn nhà kính cho ếch ở, từ đó chế ngự được cả mùa đông băng giá khi nuôi được ếch cả bốn mùa. Hiện trang trại của anh Kết cung cấp ếch giống và ếch thịt ổn định cho các siêu thị, trường học trên địa bàn 13 tỉnh phía Bắc.

Phát biểu kết luận buổi chấm chung khảo, nhà báo Lưu Quang Định - Tổng Biên tập Báo NTNN/Dân Việt, Phó Trưởng ban Tổ chức cuộc thi cho biết: “Sang năm Ban tổ chức mong muốn sẽ có nhiều đổi mới về cả nội dung lẫn hình thức để giải phong phú hơn và phản ánh những bước đi mạnh mẽ của bức tranh nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam thời đại 4.0 một cách chân thực và sinh động”.

Đồng thời, ông Lưu Quang Định cũng gửi lời cảm ơn đến các thành viên Ban Giám khảo, nhà tài trợ đã luôn đồng hành cùng giải Báo chí toàn quốc “Tự hào Nông dân Việt Nam” trong suốt thời gian vừa qua.

Dự kiến, Lễ trao giải Báo chí toàn quốc “Tự hào Nông dân Việt Nam” sẽ diễn ra tại Hà Nội ngày 5.10 tới.

11 tác phẩm và các tác giả đạt Giải Báo chí Tự hào Nông dân VN 2017 - 2018

1 Giải Nhất:

- Chủ tịch Hội Cựu chiến binh “bao đồng” việc làm giàu (tác giả Minh Tâm – Báo Tuổi trẻ Thủ đô).

2 Giải Nhì:

- Trang trại bạc tỷ nơi “thâm sơn cùng cốc” - tác giả Minh Phượng - Báo Tuổi trẻ TP.HCM.

- Ông Điền không… “điên” - tác giả Phan Lợi – Khắc Duẩn – Báo Thái Bình.

3 Giải Ba:

- “Doanh nhân chăn vịt” được nhận Huân chương Lao động - tác giả Hoàng Huệ - Tạp chí Biển Việt Nam.

- Từ làm thuê thành tỷ phú Cổng trời – tác giả Nguyễn Kiểm – Báo Quân đội Nhân dân.

- Chuyện làm giàu “ngược đời” của lão nông Huỳnh Văn Hòa - tác giả Chu Khôi – Thời báo Kinh tế Việt Nam.

5 Giải Khuyến khích:

- “Vua ếch” xây nhà kính chế ngự cả… mùa đông - tác giả Nguyễn Hạnh – Báo Công thương.

- “Ông Oanh 4.0” bỏ tiền tỷ làm nông trong phòng lạnh – tác giả Thu Hà – Báo NTNN.

- Khi người trẻ khởi nghiệp từ nông nghiệp - tác giả Bình Nguyên - Hải Quân – Báo Đồng Nai.

- Cuốn sách đổi đời của chàng trai K'Ho - tác giả Văn Long (Lâm Đồng).

- Tự hào những người "chân đất" xây đời mới - tác giả Xuân Tươi - Thúy Quyên – Báo Vĩnh Long.