Dân Việt

Việt Nam sắp sản xuất thành công 2 vắc xin mới

P.V 25/09/2018 17:14 GMT+7
Viện vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) đã thử nghiệm lâm sàng thành công 2 vắc xin sản xuất trong nước phòng cúm mùa và cúm A/H5N1.

TS. Lê Văn Bé - Viện trưởng Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) cho biết, các vắc xin thử nghiệm bao gồm, vắc-xin cúm mùa bất hoạt tam giá phòng 3 chủng cúm - A/H1N1, A/H3N2, và B - và vắc xin cúm tiền đại dịch bất hoạt A/H5N1, một loại chủng cúm gia cầm, đã rải rác lây truyền sang người trong những năm qua. Các vắc xin này dự kiến sẽ được cấp phép lưu hành vào năm 2019 - đây là kết quả to lớn của 9 năm hợp tác nhằm nâng cao năng lực sản xuất vắc xin và khả năng sẵn sàng ứng phó đại dịch của Việt Nam.

img

Ảnh minh họa.

Theo TS Bé, vắc xin thành công là nhờ sự giúp đỡ của đồng nghiệp tại Cơ quan Nghiên cứu phát triển tiên tiến về Y sinh học (BARDA) thuộc Bộ Y tế và Phúc lợi con người Hoa Kỳ, WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) và PATH (một tổ chức quốc tế về y tế toàn cầu), những người đã đóng góp rất nhiều cho quá trình thúc đẩy năng lực phát triển vắc xin cúm ở Việt Nam

TS Bé cho biết, giữa năm 2017 và 2018, thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2/3 vắc xin cúm mùa của IVAC để phòng 3 chủng cúm, và vắc xin cúm A/H5N1 đã được hoàn thành. Đây là đánh giá cuối cùng trước khi các vắc xin có thể được cấp phép để lưu hành. Các thử nghiệm lâm sàng đã đánh giá tính an toàn và tính sinh miễn dịch của cả hai loại vắc xin ở người trưởng thành khỏe mạnh.

Kết quả tổng thể cho thấy các vắc xin được dung nạp tốt và có khả năng tạo đáp ứng miễn dịch bảo vệ. IVAC đang trong quá trình nộp hồ sơ xin đăng ký lưu hành cho cả vắc xin cúm mùa và vắc-xin cúm tiền đại dịch A/H5N1. Dự kiến cả hai loại vắc xin sẽ được cấp phép lưu hành vào năm 2019.

img

“Chúng tôi rất vui mừng công bố đã thực hiện thành công các giai đoạn TNLS cho 2 loại vắc xin cúm do IVAC sản xuất, và hy vọng cả 2 vắc xin cúm này sẽ được cấp phép lưu hành trong năm 2019”, TS. Lê Văn Bé nói.

Theo các chuyên gia y tế, cúm mùa - một bệnh do vi rút gây bệnh đường hô hấp từ thể nhẹ đến nặng và đôi khi có thể tử vong – là nguyên nhân gây ra tới 650.000 ca tử vong và khoảng 3-5 triệu trường hợp mắc bệnh nghiêm trọng trên toàn thế giới hàng năm, bao gồm khoảng hơn một triệu ca bị hội chứng cúm ở Việt Nam.

Đôi khi, các chủng cúm có sức hủy diệt mạnh mẽ xuất hiện gây ra các đợt bùng phát lan rộng được gọi là đại dịch. Đại dịch cúm lớn xảy ra gần đây có tác động đến Việt Nam là đại dịch cúm A/H1N1 năm 2009, kéo dài trong vòng 12 tháng, đã gây ra hơn 284.000 ca tử vong trên toàn thế giới, trong đó có 78.000 người ở khu vực Đông Nam Á.

Trước đó, đánh giá về những thành tựu của ngành Dược Việt Nam, Thứ thưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường nhận định: “Việt Nam là một trong số ít các nước sản xuất được vắc xin và lượng vắc xin sản xuất trong nước đã đáp ứng cơ bản nhu cầu cho Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia (sản xuất được 12 loại vắc xin sử dụng phòng 10/12 bệnh trong tiêm chủng mở rộng)”.