Dưới triều Minh Tông, các phe phái võ quan thâu tóm quyền hành và tranh giành nhau, đặt nhà vua vào vị trí danh nghĩa. Năm 1179 phái võ quan do Khánh Đại Thăng (Kyung Dae- Seung) cầm đầu giết Trịnh Trọng Phu, nắm quyền chuyên chế. Năm 1181, Lý Nghĩa Mẫn tuy giữ chức Hình bộ Thượng thư Thượng tướng quân, nhưng thuộc phái Trịnh Trọng Phu nên bị Khánh Đại Thăng nghi ngờ và luôn luôn phải lo đề phòng rồi cáo bệnh lui về quê. Vua Cao Ly nhiều lần mời tham chính, nhưng Lý Nghĩa Mẫn vẫn không về triều.
Sau khi Khánh Đại Phu chết, vua cao Ly sợ nổi loạn nên sai sứ mời ông vào điện bệ kiến. Từ đó ông phò tá Minh Tông, được phong làm tư không tả bộ xã, năm 1190 làm Đồng trung thư môn hạ Bình chương sự nắm quyền hành như tể tướng, đứng đầu chính quyền quân sự Cao Ly trong 14 năm (1183-1196).
Tình hình trong triều cũng như trong xã hội của Cao Ly lúc bấy giờ rất phức tạp và hỗn loạn. Năm 1196 một phái quân sự do Thôi Chung Hiến (Choi Chung-Heon) cầm đầu giết Lý Nghĩa Mẫn để đoạt quyền. Ba con trai của ông là Lý Chí Quang đều là võ tướng đều bị giết hại, trừ người con gái là Lý Hiền Bật. Gia đình Lý Nghĩa Mẫn bị tuyệt, nhưng dòng họ Lý được kế tục nhờ gia đình người anh của Lý Nghĩa Mẫn.
Lý Nghĩa Mẫn là võ tướng đã một thời cầm đầu chính quyền quân sự của vương quốc Cao Ly. Phát hiện của GS chính sử với gia phả họ Lý Tinh Thiện để chứng minh rằng tổ của dòng họ Lý Nghĩa Mẫn là Lý Dương Côn, một hoàng tử triều Lý (1010-1225) ở Việt Nam. Tinh Thiện là quê hương của dòng họ Lý, thuộc đạo Giang Nguyên của Hàn Quốc ngày nay.
Dựa trên “Cao Ly sử” và “Tinh Thiện Lý thị tộc phó” phát hiện của GS Pyon Hong Kee là một tìm tòi, khám phá có cơ sở khoa học. Tuy nhiên xung quanh phát hiện này cũng còn một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu và xác minh:
– Cũng như trường hợp Lý Long Tường, chính sử của ta không ghi chép gì về Lý Dương Côn. Sự ghi chép thiếu sót của chính sử là việc bình thường, nhưng cũng cần tra cứu trong những nguồn tư liệu khác may ra tìm thấy dấu vết nào đó của nhân vật này.
– Lý do ra đi của Lý Dương Côn chưa rõ ràng. Gia phả chỉ ghi rất chung chung là để “tránh quốc loạn”. GS Pyon Hong Kee giải thích là có thể do sự đe dọa của nước Kim. Năm 1115 nước Kim thành lập và trở thành mối đe dọa lớn đối với triều Tống và năm 1227 triều Bắc Tống diệt vong, nhưng tình hình đó không có ảnh hưởng trực tiếp đến triều Lý của Đại Việt. Theo đó nên tìm lý do trong những mối quan hệ và tranh giành phức tạp trong cung đình khi vua Lý Nhân Tông không có con trai, phải chọn một trong số con nuôi làm Hoàng thái tử nối ngôi.
– Theo gia phả, Lý Dương Côn sang Cao Ly vào đầu thế kỷ 12 và Lý Nghĩa Mẫn thuộc đời thứ 6 bị giết hại năm 1196. Như vậy trong vòng một thế kỷ có đến sáu đời. GS Pyon cũng thấy khoảng cách giữa các đời như vậy chưa hợp lý, nhưng cho rằng gia phả ghi chép rất cụ thể, không thể bác bỏ được. Chúng ta không loại trừ những trường hợp đặc biệt và trong thực tế cũng đã có gia đình “tam đại, tứ đại, ngũ đạo đồng đường”, nhưng cũng phải xem xét lại sự ghi chép của gia phả có thể có sự nhầm lẫn.
Chúng ta trân trọng lao động khoa học và phát triển của GS Pyon. Cần nói thêm là về dòng Lý Hoa Sơn, GS Pyon cũng góp phần chứng minh tính xác thực của “Hoa Sơn Lý thị tộc phổ” và từ đó, có thể tin được nhân vật Lý Long Tường dù chính sử của Hàn Quốc và Việt Nam không ghi chép.
Theo gia phả đời thứ 12 có Lý Thọ Phúc đỗ Tiến sĩ khoa Bính Tý dưới triều vua Trung Tông. GS Pyon nghiên cứu lịch sử khoa cử và xác nhận đó là sự thật. “Hàn Quốc khoa cử sử” là một công trình nghiên cứu rất công phu của GS.