Bị trừ 50 điểm có thể bị tước GPLX
Mới đây, thông tin từ Đại tá Đỗ Thanh Bình - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông (CSGT - C08) cho biết, đơn vị này đang nghiên cứu việc trừ điểm trực tiếp vào “bằng lái” của người vi phạm. Theo Đại tá Bình, hiện nay Việt Nam đang áp dụng hình thức tước GPLX có thời hạn và xử lý vi phạm hành chính xong thì trả lại bằng lái. Cách thức này dẫn tới tình trạng “phạt cho tồn tại” và đi ngược với xu thế của thế giới.
Đại tá Đỗ Thanh Bình cho rằng, với cơ sở dữ liệu về GPLX được cập nhật trên hệ thống điện tử, việc áp dụng công nghệ sẽ đảm bảo cho công tác xử lý vi phạm giao thông. Khi bị trừ 50% điểm trên GPLX, chủ sở hữu phương tiện sẽ cận kề nguy cơ bị tước GPLX nếu tái diễn vi phạm.
Trừ điểm vào GPLX sẽ hạn chế được việc người vi phạm không chấp hành các quy định của pháp luật. Ảnh: Lê Hiếu
Để áp dụng được việc trừ điểm trực tiếp vào bằng lái, cùng với sửa Luật Giao thông đường bộ và các văn bản liên quan, Cục CSGT cho rằng cần phải đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu về giấy phép lái xe trên cả nước, khi xử lý cảnh sát chỉ cần tra tên rồi trừ điểm tài xế vi phạm trên hệ thống này.
Bên cạnh đó, đơn vị này cũng kiến nghị sửa Luật Giao thông theo hướng phù hợp với tình hình thực tế và học hỏi kinh nghiệm các nước tiên tiến; sửa luật xử lý vi phạm hành chính, đảm bảo chứng cứ phải quan trọng hơn thủ tục.
Phó Cục trưởng C08 cũng nhận định, việc trừ điểm vào GPLX sẽ góp phần hạn chế được tiêu cực, để người vi phạm nâng cao được ý thức chấp hành tham gia giao thông.
“Ở Việt Nam mức phạt không đủ sức răn đe đã dẫn tới tái diễn vi phạm. Ví dụ trong 2 năm 2015 - 2016, có tới gần 37.400 trường hợp hết thời hạn tước GPLX (cả ô tô và môtô) nhưng người vi phạm giao thông không đến nhận lại” - Đại tá Đỗ Thanh Bình thông tin.
Cũng theo ông Bình, tất cả các nước tiên tiến hiện nay đều áp dụng tước GPLX lâu dài và "trừ điểm" trên GPXL.Thông thường các nước tính 12 điểm bằng, các lỗi vi phạm bị "trừ điểm" nặng nhất là vi phạm về nồng độ cồn, tốc độ, đèn tín hiệu giao thông, không nhường đường cho người đi bộ.
Phối hợp tốt mới hạn chế tiêu cực
Ngay khi đề xuất trên được Cục CSGT đưa ra, đã xuất hiện những ý kiến trái chiều. Bên cạnh một số ý kiến lo ngại tiêu cực có thể gia tăng, nhiều ý kiến tỏ ra đồng tình với đề xuất này.
“Tôi ủng hộ việc trừ điểm vào GPLX của người vi phạm cũng như việc người tham gia giao thông phải có tài khoản để đảm bảo việc chấp hành quy định của pháp luật. Tuy nhiên, điều tôi lo lắng là việc tiêu cực sẽ chấm dứt hay sẽ phát sinh nhiều vấn đề khác. Việc áp dụng biện pháp này là ưu việt, nếu triệt tiêu được những hạn chế như tôi vừa nói”, anh Cao Văn Tuân (Hà Nội) chia sẻ.
Hình thức và mức phạt thiếu tính răn đe dễ dẫn đến tái phạm. Ảnh: T.A
Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ - nguyên cán bộ xử lý của Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT, Công an TP.Hà Nội) cũng ủng hộ đề xuất trừ điểm vào GPLX đối với người vi phạm. Theo Thượng tá Quỹ, đây là một vấn đề rất nhân văn bởi trước đó, đã có việc cắt ô, bấm lỗ với các trường hợp vi phạm khi tham gia giao thông, tuy nhiên những biện pháp đó không phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Cách tính điểm phạt trên GPLX Bang Arizona, Mỹ: Say rượu lái xe: + 8 điểm Gây tai nạn rồi bỏ chạy: + 6 điểm Vượt đèn đỏ gây tai nạn chết người: + 6 điểm Vượt quá tốc độ: + 3 điểm. Tài xế sẽ bị treo bằng nếu + 8 điểm/năm. |
“Quan trọng là phải sửa đổi Luật Giao thông đường bộ, luật xử phạt vi phạm hành chính năm 2012, để phù hợp với việc phát triển của thế giới và trong khu vực. Việc này rất ưu việt, tạo cho người tham gia giao thông tự mình phải ý thức khi tham gia giao thông. Khi bị trừ điểm rồi, nếu tiếp tục không tuân thủ quy định, sẽ bị thu hồi GPLX. Ý thức người dân sẽ được nâng cao, từ đó hạn chế được tiêu cực” – ông Quỹ nêu quan điểm.
Về ý kiến lo lắng về sự khả thi của đề xuất cũng như việc tiêu cực sẽ xảy ra, Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ cho rằng, phải có sự thống nhất, đồng bộ giữa các cơ quan ban ngành như bên cấp GPLX và bên xử lý vi phạm, tránh trường hợp khi vi phạm người vi phạm bỏ GPLX tại đơn vị bị xử phạt rồi đến cơ quan cấp GPLX xin cấp lại, và cũng để cơ quan chức năng phải có trách nhiệm với việc xác minh và cấp lại GPLX trong trường hợp người ta vi phạm chỗ khác.
“Quan điểm là phải làm sớm, vì các nước trên thế giới đã làm rồi. Như ở Trung Quốc, tại TP.Bắc Kinh có hơn 9.000 CSGT, tuy nhiên việc thấy CSGT xuất hiện trên đường (trừ thời điểm xảy ra tai nạn) là rất ít, người ta xử lý bằng hình ảnh, quản lý bằng công nghệ thông tin hiện đại” – vị nguyên cán bộ xử lý vi phạm dẫn chứng.
“Hiện đã có các khung xử phạt hành chính với lái xe vi phạm giao thông, tuy nhiên trường hợp vi phạm lỗi nhẹ, tài xế chỉ bị phạt tiền và được nhận lại bằng lái. Thực tế này đi ngược xu hướng của thế giới. Ở Trung Quốc, người tham gia giao thông nếu mắc lỗi về nồng độ cồn sẽ bị trừ 6/12 điểm và nhận cảnh cáo; trường hợp bị trừ hết điểm sẽ phải thi lại bằng lái” - Đại tá Đỗ Thanh Bình thông tin.
Ông Nguyễn Xuân Thủy - Chuyên gia giao thông: Thể hiện tính răn đe nhưng không gây phiền hà Về lý thuyết thì việc này là tốt, trừ điểm để anh hiểu được cái sai khiến người vi phạm tuân thủ, học tập, rèn luyện về nghiệp vụ lái xe tốt hơn. Bộ GTVT và Bộ Công an phải có thông tư hướng dẫn rõ ràng, khoa học, phù hợp với thực tiễn, không gây phiền hà mà thể hiện được tính răn đe. Cũng phải lấy kiến rộng rãi của nhân dân, và phải làm rõ trừ điểm trong tình huống vi phạm nào, trừ bao nhiêu điểm; nếu trừ điểm thì có bị thu bằng hay không để không trùng lặp với các nghị định, điều luật xử phạt trước đây. Do đó, phải có sự liên kết với các hình thức xử phạt cũ… Đặc biệt, các cơ quan chuyên môn Bộ GTVT, Bộ Công an phải bàn với nhau, việc này có khả thi không, nếu làm mà để xảy ra rắc rối, nhiêu khê, tăng tiêu cực, không hiệu quả thì không nên làm. Ông Bùi Danh Liên– Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội: Tránh phát sinh những hệ lụy kéo dài Luật sư Vũ Thái Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH YouMe: Nên tập trung vào xử lý tiêu cực Việc đề xuất áp dụng hình thức xử phạt trừ điểm thay vì cắt ô, bấm lỗ có thể được xem là phù hợp hơn với hình thức của GPLX và phương pháp quản lý GPLX hiện tại. Thành An - Nguyễn Hòa (ghi) |