Dân Việt

Đi 200km về Hà Nội để tiễn biệt Chủ tịch nước lần cuối

Đình Việt 27/09/2018 10:47 GMT+7
Phía bên ngoài Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), chúng tôi ghi nhận nhiều câu chuyện xúc động từ người dân dành cho Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Lễ truy điệu Chủ tịch nước Trần Đại Quang được bắt đầu vào lúc 7h30 sáng nay, 27.9. Gia quyến của Chủ tịch nước, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cả nghìn người có mặt tại khu vực Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội) đều bày tỏ sự tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

img

Ông Vũ Hữu Hiệu (62 tuổi, quê Hải Dương) dậy từ 5h sáng đi xe buýt từ Hải Dương lên Hà Nội để viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Chúng tôi đã ghi nhận được nhiều câu chuyện xúc động của người dân dành cho Chủ tịch nước tại lễ Quốc tang.

Ông Vũ Hữu Hiệu (62 tuổi, ở Kinh Môn, Hải Dương) cho biết, hôm qua (26.9), ông dậy lúc 5h sáng rồi đi xe buýt từ Hải Dương lên Nhà tang lễ quốc gia với ước mong được vào thắp nén nhang tiễn biệt Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

“Tôi nghe tin sức khoẻ của Chủ tịch nước Trần Đại Quang không tốt từ nhiều tháng trước, nhưng những ngày gần đây, thấy ông xuất hiện thường xuyên trên báo đài thấy rất mừng, nghĩ sức khoẻ bác đã tốt lên rồi.

Vậy mà chỉ sau một ngày gửi thư gửi chúc Tết Trung thu tới các cháu thiếu niên, nhi đồng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã ra đi. Mọi người đều chung tâm trạng đau xót, tiếc thương trước sự ra đi bất ngờ Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Mặc dù mang trọng bệnh nhưng Chủ tịch nước Trần Đại Quang vẫn không nghỉ ngơi mà làm việc tới những giây phút cuối cùng. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã cho chúng tôi thấy tấm gương tận tụy, hết mình phấn đấu, lao động vì dân, vì đất nước”, ông Hiệu xúc động.

img

Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết (phải) di chuyển gần 200km về Hà Nội tiễn đưa Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Có mặt tại Nhà tang lễ Quốc gia từ rất sớm, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết (cựu chiến binh, quê Tuyên Quang) rưng rưng xúc động khi chúng tôi nói về Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Bà Tuyết sinh sống ở Tuyên Quang nhưng quê gốc bà ở Ninh Bình, cách nhà Chủ tịch nước khoảng 30km nên tình cảm bà dành cho Chủ tịch nước là rất lớn.

“Khi nghe tin Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần, tôi đã đi gần 200km về Hà Nội với mong muốn được thắp nén nhang cho vị Chủ tịch nước mà tôi yêu quý, cũng là người đồng hương.

Sáng nay, tôi cũng sẽ đưa linh cữu Chủ tịch nước về quê hương Ninh Bình,  “nghĩa tử là nghĩa tận”, đây là những gì tôi có thể làm để bày tỏ sự kính trọng đối với Chủ tịch nước Trần Đại Quang”, bà Tuyết chia sẻ.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Lan (76 tuổi) đến từ Bắc Từ Liêm, Hà Nội) tâm sự: “Do không thể tham gia viếng tại Nhà tang lễ Quốc gia nên gia đình tôi đến đây từ rạng sáng để tưởng nhớ Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Nhìn hình ảnh lá cờ đỏ có buộc dải băng đen mà chồng tôi - một cựu chiến binh đã không cầm được nước mắt”.

Theo lịch trình, sau lễ truy điệu, khoảng 8h30 sáng 27.9, đoàn xe đưa linh cữu của Chủ tịch nước Trần Đại Quang rời Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, sau đó qua nhà riêng của Chủ tịch nước tại phố Ngụy Như Kon Tum, rồi ra cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ về qua cầu Non Nước vào địa phận TP.Ninh Bình.

Từ TP.Ninh Bình, đoàn sẽ đi qua đường Lương Văn Thăng - Trần Hưng Đạo - cầu Lim – Quốc lộ 10 - Kim Sơn. Sau đó, đoàn sẽ di chuyển qua cầu Quang Thiện về đường làng Lưu Quang, xã Quang Thiện.