Hầu hết các địa phương đều có văn bản cấm bia, rượu, thậm chí là cấm chơi game trong giờ làm việc nên “ma men công sở” muốn ra quán nhậu khi chưa hết giờ làm phải “nhìn trước ngó sau” rất kỹ. Thậm chí, nhiều cán bộ “sợ nhậu” cũng vịn vào các lệnh cấm này để từ chối bia rượu. Ở miền Tây, Long An là tỉnh mở màn cho chiến dịch cấm cán bộ công chức uống rượu bia trong giờ làm vào năm 2007 bằng Chỉ thị 177 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Cho đến nay, Long An cũng là tỉnh “mạnh tay” xử lý cán bộ mê nhậu khi hàng loạt cán bộ bị kỷ luật. Tháng 3.2008, tổng kết 1 năm thực hiện Chỉ thị 177, có đến 28 cán bộ, công chức bị kỷ luật. Cũng trong năm 2008, có một cuộc nhậu buổi trưa ở huyện Mộc Hóa mà 4 người tham gia đều bị kỷ luật rất nặng.
Các cán bộ này gồm chánh và phó chánh thanh tra, phó chủ tịch UBND thị trấn, phó công an huyện. Trong vụ này, có 2 cán bộ bị xử lý kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng. Sau Chỉ thị 177, tình trạng cán bộ nhậu trưa ở Long An giảm hẳn. Thậm chí, không cần phát hiện cán bộ đi nhậu, chỉ cần “ngửi thấy mùi rượu” trên người là đã bị nhắc nhở. Mới đây nhất, 2 cán bộ ở Sở VHTTDL tỉnh Long An đã bị nhắc nhở vì “có mùi rượu”.
Sau Long An, năm 2009 tỉnh Bến Tre cũng có lệnh “cấm nhậu”. Từ năm 2012 đến nay, tất cả các tỉnh ĐBSCL đều đồng loạt thực hiện. Tại các cuộc hội nghị, cơm trưa trước đây thường có chai rượu hoặc mỗi người một chai bia, thì nay chỉ có trà đá.
Tuy nhiên, cũng có cán bộ và cơ quan chuyển sang... nhậu buổi chiều nhưng vẫn trong giờ làm việc. Cụ thể, Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long từng gây xôn xao dư luận khi tháng 9.2012, cả sở đóng cửa nghỉ sớm để đi nhậu tại một nhà hàng gần đó. Kết quả của cuộc nhậu tưng bừng này là cả Sở Công Thương bị kiểm điểm, rút kinh nghiệm.
Hữu Danh