Dân Việt

Vui tai đã mắt với 3.000 “trai đẹp” gà Mía trên đồi Tam Điệp

Khánh Nguyên 28/09/2018 07:00 GMT+7
Gần 3.000 con gà Mía, con nào con nấy mào đỏ chót, lông bóng mượt óng ả đang thi nhau gáy vang, làm một vùng đồi yên tĩnh của núi rừng Tam Điệp (Ninh Bình) trở nên rộn ràng, vang động. Người sở hữu đàn gà tuyệt đẹp này là anh Nguyễn Văn Thả, ở thôn 4B, xã Đông Sơn (TP.Tam Điệp).

Đàn gà vui mừng khi được tập thể dục.

Được biết, anh Thả cũng là người đầu tiên mang con gà Mía về đất đồi Tam Điệp. Trước đây, như nhiều người dân trong xã, anh chủ yếu nuôi gà lai do loại gà này lớn nhanh, thời gian nuôi ngắn dù giá không quá cao.

Sau khi đi tham quan, nhận thấy con gà Mía là một loại đặc sản, anh quyết tâm mang con gà Mía Sơn Tây về nuôi, anh Thả cũng là người đầu tiên đưa con gà Mía về đất Đông Sơn.

“Trước đây, tôi làm trang trại tổng hợp nên hiệu quả kinh tế không cao, riêng con gà lai, dù nhanh được xuất chuồng nhưng đầu ra, giá cả không ổn định. Vì vậy, tôi quyết định chuyển sang nuôi con đặc sản, và chọn gà Mía Sơn Tây để thử nghiệm” – anh Thả cho biết.

img

Anh Nguyễn Văn Thả cho đàn gà ăn.

Anh Thả bắt đầu nuôi gà Mía cách đây 1 năm, con giống được anh mua tại quê hương của giống gà này, Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội). Ngay lứa đầu tiên, 1.000 con gà Mía tỏ ra phù hợp với đất đồi Tam Điệp.

“Sau 1 năm chuyển hướng nuôi gà Mía, tôi thấy tỷ lệ lãi suất của gà Mía hơn hẳn gà lai, đạt trung bình 50.000 đồng/con, trong khi gà lai chỉ 30.000 đồng/con” – anh Thả nói. Ngay vụ đầu tiên, 1.000 con gà Mía đã cho anh lợi nhuận 50 triệu đồng sau 4 tháng nuôi.

Theo anh Thả, ưu điểm của giống gà này là mẫu mã đẹp, thịt ngon, được thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn mới có vài ba hộ nuôi nên khâu quảng bá còn nhiều khó khăn, anh vẫn phải đưa gà lên chợ gia cầm Hà Vỹ (Hà Nội) để tiêu thụ.

img

Gà Mía có bản tính hoang dã, không nên áp dụng biện pháp nuôi nhốt.

Về quy trình nuôi, anh Thả cho biết, do gà Mía là dòng gà ri thuần nên tính bản địa cao. “Giống gà này ưa hoang dã nên phải tạo không gian cho chúng chạy nhảy, chính vì vậy chúng tỏ ra thích nghi với vùng đồi núi Đông Sơn. Để đàn gà sinh trưởng, phát triển tốt, phải định kỳ tiêm phòng vắc xin, sát trùng chuồng trại.

Sau lứa đầu tiên thành công, hiện anh Thả đã mở rộng quy mô nuôi lên 3.000 con gà Mía, hiện đàn gà sắp được xuất bán, sau lứa này, anh sẽ đánh giá hiệu quả, vệ sinh chuồng trại, vào lứa mới phục vụ Tết nguyên đán.

Để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, anh Thả còn tham gia Hợp tác xã nông đặc sản Tam Điệp, tạo thành chuỗi liên kết, đẩy mạnh tiêu thụ các nông sản của người dân.

img

Anh Thả bên con nai có cặp nhung tuyệt đẹp.

Ngoài đàn gà Mía đẹp như tranh, anh Thả còn có đàn hươu, nai lấy nhung. Anh cho biết, bình quân mỗi con nai cho lấy nhung một lần trong năm, mỗi lần được khoảng 1kg, giá nhung nai hiện tại là 1 triệu đồng/lạng.

Anh Thả đang có tham vọng đầu tư máy ấp trứng để chủ động con giống gà Mía, đồng thời mở rộng quy mô đàn, liên kết sản xuất, tiến tới xây dựng thương hiệu gà Đông Sơn.

Giản dị, chất phác trong từng lời nói và hành động, người thanh niên 30 tuổi này đã tự gây dựng được cơ ngơi khang trang giữa vùng đồi, hy vọng với tâm huyết của mình, con gà Mía Đông Sơn sẽ còn phát triển, đua nhau tranh hùng trên những vùng đồi bao la, bát ngát.