Đại nhạc hội Trip to the Moon tại Hồ Tây, Hà Nội (Ảnh: thethaovanhoa.vn)
EDM - bắt đầu từ một dòng nhạc thoái trào
EDM là tên viết tắt của: Electronic Dance Music - tức là loại nhạc Dance được tạo ra từ các thiết bị điện tử. EDM có tiết tấu mạnh, vốn được kế thừa từ âm nhạc Disco ở những năm 1970. David Guetta đã từng chia sẻ với CNN về điều này. DJ người Pháp có tuổi nghề từ thập niên 80 cho biết bước chuyển mình của nhạc house/electronic bắt nguồn khi nhạc disco bắt đầu thoái trào.
"Đầu tiên là trào lưu gọi disco là "hàng lởm" - Guetta chia sẻ. "Thực sự đó là sự sỉ nhục với một tượng đài như disco". "Rồi chẳng còn nhạc nào để nhảy nữa. Một số DJ dùng lại các bản disco cũ, nhưng nhét thêm acapella vào, rồi chúng tôi bắt đầu tạo beat riêng với âm trống trong đó."
Hay gọi đơn giản hơn, các DJ thập niên 80 đã tìm cách nhét lại disco vào tai người dùng bằng các âm điện tử - tiền thân của EDM bây giờ. "Rất chi là underground" - ông nói
David Guetta
Đầu thập niên 90 tại Hà Lan, Tijs Michiel Verwest cũng bắt đầu hành trình trở thành Tiësto của ngày hôm nay. Ông cũng cho biết nhạc EDM thời đó làm rất khác so với bây giờ.
Phải đến những năm 2000, EDM bắt đầu phát triển và trở nên thực sự ảnh hưởng đến nền âm nhạc thế giới. Âm nhạc phát triển thu hút quảng cáo, các DJ tạo dựng được tên tuổi riêng. Một số thậm chí còn đứng ra tổ chức các sự kiện lễ hội nhạc (Dance festival), các tour diễn vòng quanh thế giới, qua đó đẩy mạnh tầm ảnh hưởng của EDM đến phần đông khán giả quốc tế.
Những tượng đài như Tiësto, Guetta, Avicii hay Steve Aoki đã hợp tác với những nghệ sĩ chính thống, tạo ra vô số sản phẩm chất lượng, làm mưa làm gió trên các bản xếp hạng một thời gian dài.
“Cái chết trắng” tràn lan trong các sự kiện âm nhạc
Cho tới thời điểm hiện tại, EDM vẫn như một cơn sốt khiến giới trẻ điên đảo. Hiếm có lễ hội âm nhạc hay những chốn ăn chơi nào của các bạn trẻ yêu nhạc lại thiếu đi bóng dáng của các DJ cùng dòng nhạc thịnh hành này. Trong một không gian chảy tràn của ánh sáng và âm nhạc, người nghe không thể ngừng nhún nhẩy, thả hồn và phiêu theo những giai điệu cuồng nhiệt của các DJ. Nhiều bạn trẻ tìm đến các lễ hội EDM với tình yêu âm nhạc và mục đích ban đầu có thể là để giải trí, hòa mình vào không khí náo nhiệt của những nơi này nhằm trốn khỏi sự ồn ào, xô bồ từ cuộc sống trong vài tiếng đồng hồ; nhưng cũng tại đây những chất kích thích có cơ hội len lỏi vào tay người trẻ một cách dễ dàng.
Việc các chất kích thích nguy hiểm xuất hiện dễ dàng trong các lễ hội và những nơi ăn chơi của giới trẻ không còn là hiện tượng ngày một ngày hai mà nó đã là vấn nạn ngay từ những ngày đầu của cơn sốt “EDM”. Thậm chí, bên cạnh hình ảnh một đám đông hàng trăm nghìn con người nhún nhảy theo điệu nhạc sôi động, khi nhắc đến những lễ hội âm nhạc người nghe sẽ nghĩ ngay đến những hình ảnh các bạn trẻ đua nhau dùng các loại chất kích thích để đạt sự hưng phấn tột độ, quậy quá hơn rất nhiều.
Việc dùng chất kích thích trong các sự kiện âm nhạc đã trở thành một xu hướng trong giới trẻ, đặc biệt là ở môi trường phương Tây. Trong nhiều bộ phim của nước ngoài, cảnh một đám thanh niên dùng thuốc giữa lúc vui chơi ở các bữa tiêc âm nhạc EDM được tái hiện.. Ví dụ như: bộ phim "22 Jump Street", một bộ phim hài nổi tiếng với khán giả trên thế giới, đã có một đoạn về bữa tiệc âm nhạc cuối năm và trong giai điệu cuồng nhiệt của EDM những sinh viên tại bữa tiệc đó đã truyền tay nhau một loại “tinh thể trắng”. Hình ảnh ma túy và các chất kích thích dường như đã gắn liền với hình ảnh của các Đại nhạc hội EDM.
Và đi kèm với sự lạm dụng chất kích thích ấy của cơ số các bạn trẻ trong các Đại nhạc hội EDM là hàng loạt những hệ lụy nghiêm trọng.
Mới gần đây nhất, trong Đại nhạc hội “Trip to the Moon” được tổ chức tại Hà Nội đã xảy ra sự việc rúng động khi có 7 người tử vong. Có thể thấy đấy không phải Lễ hội âm nhạc duy nhất gặp vấn đề này mà đã có nhiều Đại nhạc hội trên thế giới xảy ra mối lo chung. Cụ thể, vào tháng 7/2014, trong Pemberton Music Festival được tổ chức tại Canada, một sinh viên thiệt mạng và hai người phải đưa đi cấp cứu; hay sự kiện Electric Daisy Carnival tại Las Vegas (Mỹ) vào tháng 6/2014 có 4 người tử vong. Thông tin cho biết, tại thành phố Los Angeles, Mỹ nói riêng, trong vòng 10 năm tình đến 2016 đã có khoảng 25 trường hợp thiệt mạng trong các Đại nhạc hội. Thậm chí từ những năm 2000, 11 trường hợp cũng vĩnh viễn không thể trở về sau khi tham dự Mawazine Festival tổ chức tại Morocco (Ma-rốc).
Sử dụng chất kích thích trong lễ hội âm nhạc EDM (Ảnh: Tintucvietnam.net)
Điểm chung cho tất cả trường hợp nói trên là những người tử vong đều xuất phát từ một nguyên nhân: sốc ma túy. Từ lâu, chúng ta biết rằng chơi ma túy là có hại, có nguy cơ sốc thuốc tử vong, và chơi tại những môi trường như đại nhạc hội, nguy cơ ấy có thể tăng lên gấp nhiều lần.
EDM không xấu, Đại nhạc hội cũng vậy!
Ở một cuộc sống nơi người trẻ đang ngày càng chịu nhiều áp lực, chất kích thích và các lễ hội âm nhạc cuồng nhiệt chắc chắn hấp dẫn hơn mọi lời khuyên bảo của cha mẹ. Thuốc kích thích bỗng chốc trở thành một thước đo cho độ "chịu chơi" và để người trẻ dễ dàng thể hiện bản thân.
Việc giáo dục "một người biết cách chơi có điểm dừng" dường như chưa bao giờ thực sự được coi trọng, ngay cả ở những quốc gia phát triển như Mỹ, châu Âu, Australia, đặc biệt với độ tuổi đang muốn phá bỏ mọi giới hạn.
Nguồn gốc sâu xa của những thảm kịch từ chất kích thích có lẽ không bắt nguồn từ các lễ hội âm nhạc và sẽ còn tiếp diễn nếu những người trẻ vẫn còn “lạc lõng” tìm lối thoát hay cách thể hiện mình giữa một thế giới đầy áp lực, thiếu vắng sự sẻ chia nhưng quá nhiều cám dỗ.
Âm nhạc là một phần của cuộc sống, và nền âm nhạc ấy đang bị ảnh hưởng bởi những hình ảnh không tốt của giới trẻ và các hậu quả nghiêm trọng kèm theo. EDM là một ngành công nghiệp trị giá đến 6,2 tỷ USD (số liệu từ Hội âm nhạc điện tử), trong đó 1 tỷ đến từ các lễ hội. Điều này thiết nghĩ rằng các doanh nghiệp cần nhanh chóng đưa ra các phương án kiểm soát phù hợp và an toàn hơn trong các khâu tổ chức, tránh để xảy ra những tình trạng đáng tiếc như ở trên.
Một nghiên cứu vào năm 2017 tại Úc cho thấy các trường hợp tử vong tại Lễ hội âm nhạc tại quốc gia này có dấu hiệu chung là mất nước, quá tải nhiệt do sử dụng chất kích thích - thường là Molly (dạng tinh khiết nhất của thuốc lắc) và cocaine. |