Tượng thờ Huyền Trân công chúa tại Huế.
Bị các sử gia lên án gay gắt
Đại Việt sử ký chép: “Hưng Nhượng Đại vương ghét lắm, mỗi khi thấy Khắc Chung thì mắng phủ đầu: “Thằng này là điềm chẳng lành đối với nhà nước. Họ tên nó là Trần Khắc Chung thì nhà Trần rồi mất về nó chăng?. Khắc Chung thường sợ hãi né tránh”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Thuần, trong cuốn Việt sử giai thoại tập 3 đã phê phán rằng: “Trước đó hơn hai chục năm, khi đất nước đang cơn binh lửa, chính Trần Khắc Chung đã dũng cảm nhận mệnh vua Trần, hiên ngang đi vào sào huyệt nguy hiểm của giặc, khiến cho tướng giặc là Ô Mã Nhi phải kính nể.
Đến đây, giang sơn thái bình, họa binh đao không còn nữa. Hưng Nhượng Đại vương dù sao cũng không thể đem ví với Ô Mã Nhi, vậy mà sao Trần Khắc Chung phải sợ hãi mà né tránh.
Dũng khí của Trần Khắc Chung mất hết rồi chăng? Ắt chẳng phải vậy. Kẻ tâm bất chính bao giờ cũng sợ lời ngay, mà đã là lời ngay thì chẳng cứ gì phát ra từ Hưng Nhượng Đại vương, từ bất cứ một ai, kẻ tâm bất chính cũng phải sợ”.
Sử gia Ngô Sĩ Liên lên án gay gắt Trần Khắc Chung, nhất là chuyện tư thông với công chúa Huyền Trân. Có thể, từ cơ sở này nên nhiều người đời sau đã thêu dệt nên câu chuyện tình đầy lâm ly giữa công chúa và võ tướng Trần Khắc Chung.
Chuyện xưa đến nay còn truyền rằng, sau khi được viên tùy tướng chặn hậu, Trần Khắc Chung dẫn công chúa dong thuyền, vượt biển. Gặp lại vị tình lang trong mộng, hai người quấn quít bên nhau, bất chấp kẻ hầu, người hạ đứng vây quanh.
Trần Khắc Chung đã yêu cầu công chúa cùng vào đồn trú ở thành Hóa Châu, không trở về Thăng Long nữa, để mãi mãi sống kiếp “phu – thê”. Nhưng công chúa Huyền Trân không đồng ý, một mực khuyên can Khắc Chung về triều, rồi xin vua Trần Anh Tông đứng ra làm mai mối cho cuộc tình duyên dở dang.
Những câu hỏi xung quanh Huyền Trân công chúa
Câu chuyện về mối tình của Huyền Trân công chúa và Trần Khắc Chung cho đến đời sau này vẫn còn nhiều điều chưa thể lý giải hết được. Đâu là sự thực trong câu chuyện được thêu dệt nhiều đến mức như thế này.
Có đúng là Trần Khắc Chung tư thông với công chúa Huyền Trân hay không? Viết về công chúa Huyền Trân, cả chính sử và dã sử đã tốn khá nhiều giấy mực để luận “công” và “tội” của nàng.
Việc nàng thuận theo ý phụ vương là Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông về làm phi của vua Chế Mân nước Chiêm Thành đã góp phần thắt chặt tình bang giao giữa hai nước, tạo mối thân tình để chống kẻ thù chung là giặc Nguyên – Mông vẫn đang ngày đêm nhòm ngó và đặc biệt là việc dâng châu Ô, châu Lý của vua Chế Mân để cầu hôn nàng đã giúp nước ta mở rộng bờ cõi về phía Nam.
Nhưng lịch sử cũng đặt ra nhiều câu hỏi xung quanh cuộc đời nàng: làm thế nào Huyền Trân công chúa có thể thoát khỏi nước Chiêm Thành mà không phải chịu án “hỏa táng” theo vua Chế Mân khi nhà vua băng hà? Làm thế nào để nàng và đoàn hộ tống có thể sống sót trở về sau hơn một năm lênh đênh trên biển? Và tại sao, sau hơn một năm trời, đoàn thuyền mới trở về?
Đó là mấu chốt của nghi án chuyện tư thông giữa Huyền Trân công chúa và Trần Khắc Chung trong cuộc hành trình từ Chiêm quốc và Thăng Long. Cuộc giải cứu Huyền Trân chắc chắn là có nhiều điều bí ẩn. Nhà Trần vì một lý do tế nhị nào đó mà không muốn công khai vụ việc này. Những người trực tiếp tham gia vụ giải cứu như Trần Khắc Chung, Đặng Văn… đã mang theo bí mật ấy xuống mồ.
(còn nữa)
*Tiêu đề bài viết do Dân Việt đặt lại