“Nhưng từ khi xây dựng NTM, thành phố đã chọn Chiềng Xôm làm nơi ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao với bước mở đầu là trồng rau, hoa tươi trong nhà lưới. Chỉ trong 3 năm sau, diện tích cây hoa từ 7ha ban đầu đã tăng lên tới 4 lần và hiện nay là gần 50ha hoa tươi.
Đây cũng là sản phẩm tiêu biểu của Chiềng Xôm vì ở Sơn La hầu như không có nơi nào trồng hoa hồng mà đẹp và tốt như nơi đây. Hoa từ đây, mỗi ngày thu hoạch được chuyển đi nhiều tỉnh lân cận và về Hà Nội” – anh Trần Văn Tráng, hộ trồng hơn 2ha hoa ở bản Phiêng Ngùa, xã Chiềng xôm cho biết.
Cũng theo anh Tráng, diện tích hoa tươi ở Chiềng Xôm lúc đầu chỉ lác đác mấy vài hộ. Nhưng bây giờ thì ở các bản: Sẳng, Ái, Hụm, Phiêng Ngùa… đều có nhiều hộ trồng hoa. Bởi lẽ, làm hoa tuy có vất vả hơn làm lúa, đầu tư ban đầu cũng cao hơn nhưng nguồn thu đều và hơn lúa nhiều lần.
Vườn hoa cúc ứng dụng công nghệ cao ở bản Panh, xã Chiềng Xôm cho năng xuất và chất lượng tốt. Ảnh: X.T
Chủ tịch UBND xã Chiềng Xôm – ông Lù Văn Thiện, tâm sự: Chính cây hoa tươi với cách sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đã giúp Chiềng Xôm cán đích NTM sớm nhất toàn tỉnh. Cách trồng và chăm sóc cây hoa hàng hóa đã giúp nhiều nông dân ở Chiềng Xôm thay đổi nếp nghĩ, cách làm lạc hậu trong sản xuất. Nhờ thế, không chỉ trong trồng hoa mà trong những hoạt động sản xuất khác: Trồng lúa, ngô, cà phê hay chăn thả gia súc, gia cầm, ao cá… nông dân đều có sự đầu tư chăm sóc.
Ông Tòng Văn Vui - Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Sơn La, cho biết: Thực hiện chương trình xây dựng NTM và xây dựng mỗi xã có 1 sản phẩm hàng hóa đặc trưng; Hội Nông dân thành phố đã vào cuộc vận động hội viên, nông dân tham gia tích cực. Kết quả không chỉ giúp tam nông của thành phố Sơn La vươn lên mà còn đóng góp rất lớn đến sự phát triển của tổ chức Hội và kinh tế của hội viên.
“Hiện nông dân Sơn La đang có nhiều nông sản làm hàng hóa rất tốt: Cà phê ở Hua La, hoa tươi ở Chiềng Xôm, mận hậu ở Chiềng Đen… Đó cũng là những đòn bẩy kinh tế rất tốt nếu được phát huy đúng trong xu thế hội nhập hiện nay”- ông Vui nói.