Vừa qua, Sở Tài nguyên- Môi trường Hà Nội công bố danh sách gần 100 các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn Hà Nội đang thế chấp bằng quyền sử dụng đất, thế chấp dự án và nhà ở hình thành trong tương lai. Bên cạnh nhiều “ông lớn” bất động sản, danh sách này còn nêu nhiều chủ đầu tư thế chấp dự án nhà ở xã hội gây xôn xao trong dư luận.
Điển hình, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng NHS thế chấp bằng Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại ô Cl 1- ODK4 (số 987 Tam Trinh, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai). Dự án này gồm 2 tòa cao 21 tầng.
Trong đó, 01 tầng hầm chung nối giữa 02 khối nhà là khu vực để xe; tầng 1 và tầng 2 xây dựng thương mại dịch vụ, sinh hoạt cộng đồng, sảnh, thang máy tầng 03-21 xây dựng căn hộ chung cư.
Dự án nhà ở xã hội số 987 Tam Trinh đã được bàn giao cho khách hàng vào sử dụng từ nhiều tháng nay. (ảnh TK)
Tương tự, liên danh Công ty cổ phần Contrexim số 1 và Công ty CP Đầu tư phát triển Thái Hà thế chấp dự án xây dựng nhà ở tại phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm. Quy mô của dự án đang thế chấp này gồm 5 tòa nhà cao 25 – 30 tầng (với1814 căn hộ và 5 tầng thương mại, dịch vụ) và 01 nhà trẻ. Hiện tại dự án đang chuẩn bị bàn giao cho khách hàng.
Công ty cổ phần tập đoàn Hoành Sơn (là đại diện liên danh giữa Công ty TNHH MTV Bạch Đằng và Công ty cổ phần tập đoàn Hoành Sơn thế chấp Dự án xây dựng chung cư nhà ở xã hội cán bộ chiến sỹ Bộ Công An tại số 282 Nguyễn Huy Tưởng (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân). Cụ thể, đến 11.7.2018 còn thế chấp 537 căn/612 căn và diện tích dịch vụ thương mại, nhà trẻ, bể bơi.
Dự án nhà ở xã hội do Tập đoàn Hoành Sơn làm chủ đầu tư đang thế chấp tại ngân hàng.
Theo Điều 147 – Luật Nhà ở có hiệu lực từ 1.7.2015, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở được thế chấp dự án hoặc nhà ở xây dựng trong dự án tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để vay vốn cho việc đầu tư dự án hoặc xây dựng nhà ở đó.
Cùng với đó, theo quy định của Điều 56 – Luật Kinh doanh Bất động sản, chủ đầu tư muốn bán nhà hình thành trong tương lai phải có ngân hàng bảo lãnh. Mà muốn ngân hàng bảo lãnh thì đương nhiên phải có tài sản thế chấp. Luật không bắt buộc chủ đầu tư bán dự án nào thì thế chấp dự án đó mà có thể lấy một tài sản khác.
Như vậy, việc thế chấp dự án được thực hiện theo luật. Đáng nói là các dự án thế chấp đều được ngân hàng thẩm định về mặt pháp lý cũng như năng lực của chủ đầu tư. Và như thế, dự án được thế chấp là những dự án có tiềm năng chứ không phải dự án xấu. Cùng với đó, doanh nghiệp có lịch sử vay – trả tốt, làm ăn uy tín mới vay được giá trị nhiều và nhiều ngân hàng bảo lãnh cho vay.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng khuyến cáo, khi mua nhà ở hình thành trong tương lai thì yếu tố cần quan tâm đầu tiên của khách hàng chính là uy tín và tiềm lực tài chính của chủ đầu tư.
Cùng với đó, trước khi ký hợp đồng mua bán dự án đã thế chấp ngân hàng, người mua nhà cần yêu cầu chủ đầu tư cung cấp văn bản đã giải chấp căn hộ dự định mua. Bởi theo quy định hiện nay, trước khi bán nhà, Chủ đầu tư cần phải gửi thông báo đến Sở Xây dựng kèm theo giấy tờ chứng minh nhà ở đó đủ điều kiện giao dịch, trong đó có quy định rõ ràng là tài sản không nằm trong diện đang thế chấp tại ngân hàng. Đặc biệt, trường hợp giải chấp cần có văn bản của ngân hàng đồng ý cho Chủ đầu tư huy động vốn./.