Dân Việt

Giám khảo “choảng” nhau trên truyền hình: Ngán ngẩm về “văn hoá ghế nóng”

Hà Tùng Long 29/09/2018 14:00 GMT+7
Truyền hình thực tế nở rộ mang đến nhiều điều thú vị nhưng cũng kéo theo nhiều hệ luỵ. Trong đó việc giám khảo tranh cãi nhau để giành thí sinh đã làm cho người xem ngán ngẩm về “văn hoá ghế nóng”.

Tranh cãi, hỗn loạn… đi quá giới hạn

Thậm chí, nhà viết kịch Chu Thơm còn cho rằng: “Nhiều giám khảo truyền hình thực tế đang biến một số chương trình thành “chợ cóc” vì bốp chát nhau đồm độp, tranh cãi như như mấy bà hàng tôm hàng tép…”.

Có thể nói, chưa bao giờ, khán giả lại phải chứng kiến những màn tranh giành thí sinh một cách hỗn loạn trên truyền hình thực tế nhiều đến vậy. Đặc biệt, với các chương trình về âm nhạc, sự tranh giành thí sinh dường như không còn giới hạn.

Trong Giọng hát Việt 2017, từ đầu đến cuối mùa giải, người xem đã phải chứng kiến không ít lần HLV Thu Minh - Noo Phước Thịnh và Tóc Tiên tranh cãi nhau để giành thí sinh hoặc bảo vệ thí sinh “không thể đỡ nổi”. Ở số phát sóng ngày 23.4.2017, khi giọng ca Tùng Anh - Mỹ Linh của đội HLV Thu Minh vừa kết thúc tiết mục, ngay lập tức Noo Phước Thịnh lên tiếng chê bai Tùng Anh. Và khi Thu Minh cùng Noo Phước Thịnh đang tranh luận thì Tóc Tiên chen ngang cướp lời khiến Noo Phước Thịnh nổi nóng.

img

Đức Phúc và Hoàng Thuỳ Linh từng nhiều lần "choảng" nhau trên ghế nóng The Debut.

Nam ca sĩ này to tiếng quát lại Tóc Tiên để thể hiện sự không bằng lòng trước hành động chen ngang của đàn em. Người xem có cảm giác như cả hai sắp “choảng” nhau tới nơi để bảo vệ quan điểm của mình. Khán giả không chỉ ngao ngán trước văn hóa ứng xử của các giám khảo quyền lực mà còn thương thay cho thí sinh khi phải đứng trên sân khấu chứng kiến màn cãi vã tay đôi - tay ba của HLV.

Ngay từ khi phát sóng những tập đầu tiên, bộ ba giám khảo của chương trình The Debut gồm: Hoàng Thùy Linh, Đức Phúc và Hương Tràm cũng tạo nên nhiều ý kiến trái chiều vì những màn nhận xét “ất ơ” và những màn tranh cãi đi quá giới hạn. Đặc biệt, trên ghế nóng, Hoàng Thùy Linh và Đức Phúc liên tục tranh luận, phản bác nhau về các phần thi với lời lẽ nặng nề. Thậm chí, họ không ngần ngại dùng những từ ngữ mang tính chất “dìm” thí sinh của nhau.

Hoàng Thùy Linh từng gây phẫn nộ khi có những lời nhận xét đàn em trên truyền hình: “Trứng thì làm sao khôn hơn vịt được hả Phúc. Em còn non và xanh lắm. Ý chị là còn nhựa ý”. Trong khi đó, Đức Phúc cũng không ít lần thể hiện thái độ không phải phép với đàn chị trước mặt thí sinh và trước ống kính truyền hình.

Thực tế, nhiều chương trình thực tế hiện nay còn ngầm khuyến khích các giám khảo tranh cãi nhau để tạo sự chú ý. Có lẽ thế mà các giám khảo không ngại ngần tung đủ chiêu trò để dụ thí sinh về đội mình. Điều đáng nói, những lời thuyết phục của họ không đi sâu vào chuyên môn mà lại “lạc trôi” sang những chuyện bên lề.

Thậm chí, họ sẵn sàng bốp chát hoặc dìm nhau để lôi kéo thí sinh. Chẳng hạn, để tranh giành giọng ca 20 tuổi đến từ Hà Nội ở Giọng hát Việt 2017, các huấn luyện viên lôi cả chuyện chăm sóc con nhỏ ra để “tỉ thí” khiến thí sinh vô cùng bối rối. Nhiều trường hợp, giám khảo hoặc huấn luyện viên còn thoải mái cười đùa, ngồi bệt trên sân khấu hoặc lôi kéo nhau như chốn không người...

Nhiều giám khảo liệu có trình độ điều hành chương trình?

Nhà viết kịch Chu Thơm cho rằng, nhiều chương trình truyền hình thực tế hiện nay mời “nhầm” giám khảo. Vì “nhầm” giám khảo nên mới có những chuyện lộn xộn, ồn ào và thị phi xảy ra.

“Nhiều khi tôi có cảm giác các nhà sản xuất chương trình muốn gây ồn ào để kéo khán giả mới mời người nọ, người kia ngồi ghế nóng. Bởi thực tế, có nhiều chương trình mời những người vừa đầy rẫy tai tiếng, vừa non về kiến thức... lên ngồi ghế giám khảo để nhận xét người khác.

Và cũng vì chưa đủ tầm ngồi ghế giám khảo nên nhiều người sẵn sàng cãi nhau như ngoài đường ngoài chợ. Tôi cũng không hiểu sao bị chửi nhiều như thế mà nhiều nhà sản xuất vẫn cố tình phớt lờ dư luận để đưa những người đó lên làm giám khảo”, nhà viết kịch Chu Thơm nói thêm.

PSG Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng, đa phần các chương trình truyền hình thực tế hiện nay vốn không xuất phát từ Việt Nam mà được mua lại kịch bản từ nước ngoài. Và trong quá trình Việt hóa format để phù hợp với văn hóa của Việt Nam thì lại mắc rất nhiều sai lầm.

Trong số những sai lầm đó là việc cư xử không đúng mực của những người ngồi ghế giám khảo. Một số người không có đủ trình độ để điều hành chính mình và điều hành một chương trình nên mắc phải một “lô xích xông” các lỗi về văn hoá.

“Giám khảo truyền hình cần phải có một kiến thức cực kỳ đầy đủ về cái mà mình đang làm giám khảo và phải có khả năng nói trước đám đông. Thêm nữa, họ cũng phải có khả năng đối thoại và biện luận. Tất cả những khả năng ấy phải dựa trên nền tảng rất dày dặn về văn hóa và nghệ thuật.

Tuy nhiên, đa phần giám khảo của các chương trình truyền hình thực tế ở Việt Nam được cái này lại mất cái kia, thậm chí có giám khảo trật toàn bộ điều kiện cần và đủ đó. Từ cái trật đó mà dẫn đến nhiều sự ứng xử lố bịch.

Nhiều giám khảo trật ra khỏi chương trình mà mình đang “cầm cân nảy mực” kiểu như leo lên phần nói chuyện của mình mà không xuống được. Một số giám khảo còn cãi nhau như bà bán hàng ngoài chợ. Những cái đó người ta gọi là lỗi ứng xử của giám khảo trong truyền hình thực tế vì không Việt hóa được và không đủ năng lực để điều hành mình trước đám đông mặc dù chương trình đã qua khâu biên tập”, PGS Nguyễn Thị Minh Thái nhận định.

PGS Thái cũng cho rằng, do truyền hình thực tế nở rộ quá nhiều nên họ không kịp có thời gian tìm kiếm những người thật sự xứng tầm. Bên cạnh đó, cũng có những chương trình cố tình đưa những người không xứng tầm lên để tạo chiêu trò hòng câu kéo khán giả. Và đó chính là nguyên nhân dẫn đến chuyện nhiều chương trình đi quá xa so với format gốc.

“Chương trình truyền hình “Ai là triệu phú” cũng mua format từ nước ngoài. Khi người ta muốn tìm một người dẫn mới thay thế nhà báo Lại Văn Sâm họ đã tìm kiếm rất nhiều ứng viên. Họ mời cả người nước ngoài lẫn các chuyên gia để lựa chọn ứng viên phù hợp.

Và cuối cùng, họ chọn ra một người nổi trội nhất trong năm người nổi trội để cầm trịch chương trình là Phan Đăng. Và rõ ràng, sau một thời gian, nhiều người phải thừa nhận Phan Đăng phù hợp với vị trí ghế nóng của chương trình”, PGS Thái đưa ví dụ.

Theo PGS Nguyễn Thị Minh Thái, cần phải có nhiều người lên tiếng phê phán kiểu ứng xử của một số giám khảo để các nhà sản xuất chương trình phải nghiêm túc và thận trọng hơn. Và bên cạnh đó, khán giả cũng có quyền đòi hỏi cả giám khảo lẫn nhà sản xuất phải tôn trọng họ bởi chính họ là đối tượng mang lại lợi nhuận cho nhà sản xuất chứ không phải ai khác.