Quản lý nhà nước không bắt kịp tình hình, gây lãnh phí nhân tài vật lực không nhỏ, đã đến mức phải kéo còi báo động khẩn cấp. Với 7.966 lễ hội trong đó có 7.039 lễ hội dân gian, nếu không thu hẹp số lượng và quy mô ắt nông dân quanh năm đi hội. Không những mất thời gian, tốn kém mà còn sai lạc cả ý nghĩa truyền thống tốt đẹp, không làm đẹp thêm mà làm xấu đi hình ảnh của nông thôn, của đất nước.
Xem ra người ta đang hoảng hốt vì lễ hội bung ra khó kiểm soát ấy. Một loạt quy định, chỉ thị gây buồn cười vì xa lạ với người dân và khó thực thi đối với cơ quan nhà nước. Xưa nay, việc mở hội làng hội hàng tổng hay hội có phạm vi và quy mô toàn quốc ( như Hội chùa Hương, Hội Phủ Giầy, Hội Đền Trần), có ai mời ai đâu. Người ta chỉ nằm lòng câu ca dao, như lời nhắc, lời mời, ngày ấy tháng ấy có lễ hội ấy, ai có lòng thì về. Về để du xuân, để cầu phúc, cầu may và cả cầu tài. Không về thì thiệt, đừng trách. Nay phải cấm mời và cấm đến dự là có vấn đề gì lăn tăn bên trong, không hồn nhiên như ngày xưa nữa.
Mời hay không mời, mời ai và không mời ai là quyền của người mời và người được mời. Đó là thuần phong mỹ tục. Dựa vào cư xử văn hóa, người ta quyết định mời ai. Và người mời cũng cân nhắc trên cơ sở văn hóa là có đi hay không, có đáng đi hay không, tùy theo cương vị của mình, để “người trên còn trông xuống, người dưới còn trông lên”, phải thì thôi! Lễ hội không mời thì sợ quan trên ấm ức. Mời thì quy mô càng lớn, càng tốn. Đời là thế!
Có những lễ hội nhất thiết nên có mặt quan trên, có những lễ hội, tuyệt đối không nên. Dân chơi trò “nõn nường” để tôn vinh phồn thực nam nữ, duy trì nòi giống, cấp long trọng về làm gì? Tất cả đều có chuẩn mực ứng xử không thành văn lâu đời, tức là văn hóa.
Xem ra, dù có cấm hay không mọi việc cũng sẽ diễn ra như nhiều lễ hội gây phản cảm nếu người mời hay được mời không có văn hóa ứng xử thích hợp. Bao giờ lễ hội được như ngày xưa đây? Xin đừng làm mãi chuyện trời ơi đất hỡi!
Nguyễn Quang Thân