Tiêm kích F-15, F-16 Israel.
Vụ trinh sát cơ Ilyushin Il-20 của Nga bị bắn rơi ngày 17.9 trong cuộc không kích của Israel nhằm chống lại các mục tiêu Iran ở Syria đã đẩy quan hệ giữa Moscow và Tel Aviv xuống mức thấp nhất trong nhiều năm. Sau sự cố, các quan chức Nga đã từ chối nỗ lực của Israel để đưa phái đoàn cấp cao tới Moscow để xoa dịu căng thẳng.
Thậm chí chính phủ Israel cũng cân nhắc cử Thủ tướng Benjamin Netanyahu hoặc Bộ trưởng Quốc phòng Avigdor Liberman tới thăm Moscow để ngăn chặn cuộc khủng hoảng ngoại giao tiến xa hơn. Tuy nhiên, tất cả những nỗ lực này vẫn bị Điện Kremlin khước từ.
Theo Jerusalem Post, có một số lý do khiến Moscow không dễ dàng "xuống thang" với Israel. Một là bởi vì Nga cần giữ thể diện khi mặc dù giúp Damascus quản lý và vận hành mạng lưới phòng không của Syria, quân đội Nga vẫn không thể cứu được một trong những trinh sát cơ của mình.
Việc Il-20 bị phòng không Syria bắn rơi được cho là đã làm "bẽ mặt" Nga và phơi bày những vấn đề cơ bản của các hệ thống phòng không của Nga tại Syria, đặc biệt là độ hiệu quả của các tín hiệu điện tử IFF (giúp nhận dạng mục tiêu là bạn hay thù) được trang bị cho các máy bay.
Hai là có thể Moscow đã quyết định rằng, vụ Il-20 bị bắn rơi sẽ được xem là "lý do" để cắt đứt thỏa thuận với Israel mà lâu nay vốn cho phép các máy bay Israel tự do tấn công các mục tiêu Iran ở Syria.
Iran, đồng minh của Nga ở Syria gần đây đã bị tổn thất nặng nề bởi các cuộc không kích của Israel. Nga nhiều lần tuyên bố Iran - đối thủ không đội trời chung của Israel là "một cầu thủ" quan trọng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria và nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của Nhà nước Hồi giáo trong cuộc nội chiến ở Syria.
Israel gần đây thừa nhận đã tấn công vào các mục tiêu Iran và đồng minh của nước này ở Syria hơn 200 lần kể từ năm 2017.
Theo đó, Nga được cho là phải thể hiện quyết tâm thực hiện cam kết của mình với các đối tác chính trong khu vực - chính là Damascus và Tehran. Và vụ IL-20 bị bắn rơi đã trao cho Nga cơ hội để làm điều đó.
Moscow đã tuyên bố sẽ cung cấp cho Syria các hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 tiên tiến và áp đặt các biện pháp đối phó điện tử trên đường bờ biển của Syria để "khóa cánh" máy bay Israel muốn thực hiện các cuộc tấn công trong khu vực. Theo đó, sự tự do hoạt động của Không quân Israel được cho là sẽ bị hạn chế đáng kể.
Tuy nhiên, trong khi một số người cho rằng, các hệ thống S-300 sẽ gây nguy hiểm cho các máy bay Israel thì một số người khác lại cho rằng, các phi công Israel đã được huấn luyện để đánh bại hệ thống phòng thủ này. Hy Lạp, thành viên của NATO từng sử dụng S-300 từ cuối những năm 1990 và các máy bay Israel đã được huấn luyện trong không phận của Hy Lạp cũng như Cộng hòa Síp. Điều đó chắc chắn đã giúp Israel "phân tích" S-300 trong thực tế.
Amos Yadlin, người đứng đầu Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia của Israel và cựu giám đốc tình báo quân sự khẳng định, S-300 sẽ không thay đổi sự cân bằng chiến lược ở Syria. Không có hệ thống phòng không nào là bất khả xâm phạm hoặc không thể phá hủy. Israel có những chiếc F-35 có thể xuyên thủng những hệ thống như vậy.
Thủ tướng Netanyahu cũng đã lên tiếng cảnh báo rằng, Israel sẽ tiếp tục tấn công các mục tiêu Iran ở Syria ngay cả khi Syria có S-300.