Nông dân không hào hứng
Bà Nguyễn Thị Nga (huyện Bá Thước) vừa tham gia lớp học nghề chăn nuôi theo Đề án 1956 tâm sự: “Nói thật, tôi đi học vì chính quyền động viên nhiều quá, chứ giờ mùa màng bận rộn, nhà lại đơn người thì đi học nghề rất khó khăn. Mặc dù biết đi học cũng tốt, vì có thêm nhiều kiến thức để áp dụng vào sản xuất chăn nuôi, thế nhưng đi học thì không có tiền nuôi con, không có tiền ăn uống”- bà nói.
Lớp dạy nghề ươm cây cho lao động nông thôn ở Thanh Hóa.
Khi nói về chính sách hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại, bà Nga cho biết: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo. Cán bộ xã cũng cho biết tôi đi học thì sẽ được hỗ trợ 15.000 đồng/ngày tiền ăn và hỗ trợ tiền đi lại, thế nhưng đến bây giờ (2 tháng sau học) tôi vẫn chưa được nhận. Tiền hỗ trợ ít, lại không được chi trả ngay nên tôi cũng gặp nhiều khó khăn”.
Theo ông Lý Văn Chương – Trưởng phòng dạy nghề Sở LĐTBXH tỉnh Thanh Hoá, đúng là số tiền hỗ trợ ăn ở, đi lại cho nông dân theo học nghề còn quá thấp nên khó có khả năng động viên bà con đến lớp. Ngoài ra, nhiều nông dân ở cách nơi học 5-7km, dù đi lại rất vất vả cũng không được hỗ trợ tiền đi lại… “Quãng đường 15km là quá xa so với khu vực miền núi. Ở khu vực này chỉ cần đi 5km đường rừng thôi cũng đủ chết, vì thế quy định này là không thực tế. Mặt khác, thu nhập bình quân của lao động phổ thông hiện từ 80.000 - 120.000 đồng/ngày công, nếu họ đi học thì không thu nhập hàng ngày, trong khi tiền hỗ trợ ăn quá thấp”- ông Chương nói.
Chỉ dạy nghề nông nghiệpHiện nay việc dạy nghề ở Thanh Hoá đã phân cấp, giao quyền cho từng địa phương triển khai cho phù hợp với sự phát triển cơ cấu kinh tế của từng địa phương. Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hoằng Hoá là đơn vị được chọn để tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn. Ông Lê Ngọc Đức – Giám đốc trung tâm tiết lộ: “Mặc dù không phải là địa bàn miền núi nhưng chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn khi tuyển sinh. Nguyên nhân chính là vì bà con “chê” hỗ trợ học nghề ít và chỉ hộ nghèo đi học mới được hỗ trợ”. Chính vì thế, dù rất cố gắng, mỗi năm trung tâm cũng chỉ mở được 1-2 lớp, mỗi lớp được 25-30 học sinh. Riêng năm nay, trung tâm được phân bổ chỉ tiêu đào tạo 1 lớp nhưng không tuyển được nên phải trả lại UBND huyện.
Ngoài ra, một điểm khó tuyển sinh mà ông Đức “ngại” nói đến, đó là ngành nghề đào tạo không được nông dân quan tâm. “Hiện nay dù đã khuyến khích các địa phương chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đào tạo nghề phi nông nghiệp và ngành dịch vụ phục vụ nông nghiệp nhưng không phải huyện nào cũng làm được. Đa phần các địa phương đều lựa chọn dạy nhóm ngành nông nghiệp vì không phải lo đầu ra”- ông Chương nói. Ông giải thích: Chọn dạy nghề phi nông nghiệp đồng nghĩa với việc phải tạo việc làm đầu ra cho lao động. Nghĩa là khu vực dân cư đó phải có chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển các vùng sản xuất hàng hoá tập trung, gắn với bao tiêu sản phẩm. Chưa làm được điều này, một số huyện chọn giải pháp an toàn là dạy nghề nông nghiệp để không cần tìm việc làm mới cho người dân.