Chưa xứng tiềm năng
Có thể thấy, phát triển nông nghiệp hữu cơ đang là xu thế được nhiều đơn vị, cá nhân theo đuổi. Nếu như cách đây 10 năm chỉ có khoảng 10.000ha canh tác hữu cơ ở những vùng thuận lợi thì đến nay, đã có hơn 76.000ha diện tích canh tác nông nghiệp hữu cơ; sản lượng cũng tăng gấp 4 lần so với cách đây 10 năm. Hiện, có khoảng 100 doanh nghiệp (DN) tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đã xuất hiện nhiều tập đoàn lớn tham gia vào thị trường này.
Đã có hành lang pháp lý để phát triển nông nghiệp hữu cơ. Ảnh: I.T
"...Nếu các doanh nghiệp chỉ nghĩ đến xuất khẩu là một sai lệch, bởi thị trường nội địa còn rất rộng mở, vấn đề cốt lõi là khi có tiêu chuẩn rồi thì cần minh bạch từ khâu sản xuất đến khâu tổ chức chứng nhận”. Ông Hà Phúc Mịch |
Tuy vậy, theo ông Hà Phúc Mịch - Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, tiêu chuẩn về nông nghiệp hữu cơ mới được ban hành trước năm 2018, nhưng gần như không được áp dụng rộng rãi trong thực tiễn, thậm chí không có đơn vị nào đủ tư cách pháp nhân đứng ra chứng nhận theo tiêu chuẩn đó.
“Trong giai đoạn vừa qua, chúng ta thiếu chính sách hoặc chính sách không đồng bộ, chưa có các đơn vị thực hiện chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam. Tất cả các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ nếu lấy được chứng nhận của các tổ chức nước ngoài ở Mỹ, Nhật Bản thì hầu hết đều phục vụ xuất khẩu. Theo tôi, nếu các DN chỉ nghĩ đến xuất khẩu là một sai lệch, bởi thị trường nội địa còn rất rộng mở” – ông Mịch nói.
Được biết, trước năm 2018, đã có nhiều DN tâm huyết đã làm nông nghiệp hữu cơ, nhưng gặp khó khăn trong thời gian dài do không nhận được sự trợ giúp từ phía ngành chức năng, các tổ chức tín dụng, do trước đây chưa có chính sách ban hành riêng cho nông nghiệp hữu cơ.
Thêm bàn đạp
Từ thực tế trên, theo đề xuất của Bộ NNPTNT, ngày 29.8.2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 109/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ, ban hành tiêu chuẩn quốc gia về nông nghiệp hữu cơ, đồng thời Bộ NNPTNT cũng xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2018 – 2025 và tầm nhìn đến 2030.
Theo đánh giá của ông Hà Phúc Mịch, Nghị định 109/NĐ-CP được coi là tiền đề và là cú hích lớn, tạo hành lang pháp lý cho nông nghiệp hữu cơ phát triển. Trong đó, có nhóm chính sách đầu tiên quy định những đơn vị, cá nhân sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được hưởng tất cả các chính sách mà Chính phủ đã ban hành khuyến khích phát triển nông nghiệp nông thôn. Cụ thể như chính sách về ưu đãi tín dụng cho phát triển nông nghiệp, chính sách cho DN nhỏ và vừa, cho nông nghiệp công nghệ cao, chính sách khuyến nông…
Ngoài ra, nghị định còn ban hành thêm 1 điều quy định các chính sách đặc thù cho nông nghiệp hữu cơ, Theo đó, sẽ hỗ trợ 100% kinh phí cho quy hoạch xác định vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ phù hợp với tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp hữu cơ và 100% kinh phí để hỗ trợ cho chứng nhận lần đầu cho các tổ chức, cá nhân. Nghị định 109 sẽ có hiệu lực thi hành từ 15.10.2018.
“Nếu thực hiện đầy đủ các nội dung trong nghị định này thì đây đã là những hành lang pháp lý cơ bản thuận lợi, hầu như không có nhiều khó khăn cho vấn đề tổ chức, phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam. Vấn đề còn lại là chúng ta tổ chức thực hiện như thế nào để chính sách đi vào cuộc sống” - ông Mịch khẳng định.
Cũng theo ông Mịch, để nông nghiệp hữu cơ phát triển, UBND các tỉnh, thành phố cần sớm triển khai đưa Nghị định 109 vào thực tiễn. Các địa phương có thể ban hành thêm các chính sách ưu tiên của tỉnh cho phát triển nông nghiệp hữu cơ. Ngoài ra, các địa phương cần chủ động và cụ thể hơn trong phát triển tại địa phương như hỗ trợ sản xuất phân bón hữu cơ; giống cây trồng, vật nuôi; phân bón, thức ăn hữu cơ.
Đối với các cá nhân, tổ chức tham gia vào chuỗi sản xuất, tiêu thụ và sử dụng sản phẩm hữu cơ cần định hướng rõ thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ của gia, trang trại...
Các tổ chức chứng nhận nâng cao trình độ, hiểu biết trong chứng nhận hữu cơ, giữ vững chữ “tâm” với nghề đảm bảo chứng nhận đúng, đủ các nguyên tắc của tiêu chuẩn hữu cơ, góp phần làm minh bạch thị trường.