Dân Việt

Chuyển S-300: Nga tung hỏa mù để bịt mắt Israel-Mỹ

Thùy Dung 30/09/2018 21:00 GMT+7
Theo The Drive, Nga sẽ áp dụng chiêu tung hỏa mù sau khi ông Sergei Lavrov, tuyên bố bắt đầu chuyển S-300 cho Syria để tránh tai mắt của Mỹ và Israel.

Tuyên bố của ông Sergei Lavrov được đưa ra khi phát biểu ý kiến trong cuộc họp báo tại trụ sở LHQ: "Việc chuyển giao hệ thống S-300 đã bắt đầu diễn ra và Tổng thống Vladimir Putin cho biết, sau sự việc đó (vụ bắn hạ máy bay Il-20 tại Syria)... những biện pháp mà chúng tôi triển khai sẽ bảo đảm an toàn và an ninh 100% cho binh sĩ của chúng tôi tại Syria".

Tuyên bố của Ngoại trưởng Nga được đưa ra khi xuất hiện nhiều thông tin Moscow đã gần như hoàn thành chuyển giao hệ thống phòng thủ tầm cao cho Syria bởi trong tuần qua, đã xuất hiện sự hiện diện bất thường của gần 10 chiếc máy bay vận tải hạng nặng Il-76 tại căn cứ Hmeymim. 

img

Tiêm kích F-35 của Không quân Israel.

Ngoài ra, chiếc tàu vận tải hạng nặng Ro-Ro Sparta III của Nga được cho là đang vận chuyển nốt những thành phần còn lại của vũ khí đánh chặn tầm cao S-300 đến Syria.

Phản ứng với những thông tin này, trang The Drive cho rằng, rất có thể những chiếc máy bay vận tải này chỉ chiêu nghi binh khi Nga dùng chúng để vận chuyển những vũ khí và khí tài khác đến Syria, còn thực chất, hệ thống S-300 được tàu Ro-Ro Sparta III vận chuyển đang trên đường đến Syria.

Và để tránh tai mắt của Israel và Mỹ, Nga sẽ dùng chiêu tung hỏa mù đúng nghĩa. Hiện nay, các thủy thủ trên tàu hải quân Nga tại quân cảng Tartus đã triển khai thiết bị tạo màn khói khi hoạt động chuyển giao tổ hợp phòng không hiện đại S-300 cho Syria.

Cụ thể, nguồn tin nói rằng, các binh sĩ trên tàu đã dùng màn khói nhân tạo để "che mắt" vệ tinh, thiết bị không người lái và máy bay do thám của đối phương trong quá trình bốc dỡ những thiết bị này.

Hiện chưa rõ tính xác thực của thông tin và biện pháp này hiệu quả tới đâu nhưng giới chuyên gia nhận định, làn khói có thể qua mặt các camera quang học, song khó có thể qua mặt các hệ thống radar khẩu độ tổng hợp hay các cảm biến hồng ngoại của đối phương.

Đặc biệt là khi các máy bay trinh sát, giám sát và do thám không người lái cũng như có người lái của Mỹ vốn hoạt động thường kỳ ở Syria khi bay trên vùng biển quốc tế tại phía Đông biển Địa Trung Hải.

Ngoài khả năng Nga chuyển S-300 tới Syria bằng đường biển thì khả năng hệ thống phòng không này được chuyển giao bằng đường hàng không cũng được đặt ra.

Tất cả những thông tin này đều chưa thực sự rõ ràng khiến chúng tạo nên những thông tin nhiễu loạn về thời điểm và phương tiện Nga dùng để chuyển giao hệ thống S-300 cho Syria khiến Israel khó có thể xác định để thực hiện đòn tấn công như tuyên bố.

Việc chuyển giao tổ hợp S-300PMU2 có ý nghĩa rất lớn đối với Syria. Với tính năng tiệm cận S-400, được tích hợp đạn đánh chặn tầm xa 48N6E2 tầm bắn 200 km thì một khi có S-300PMU2 trong tay, Syria nhiều khả năng sẽ khai hỏa đánh chặn nếu Israel tiếp tục thực hiện đòn không kích vào nước này.

Tuy nhiên, bên cạnh đó lại có một luồng ý kiến khác cho rằng thực chất việc Nga giao S-300 cho Syria chỉ mang ý nghĩa biểu tượng, rằng Moscow không bỏ rơi đồng minh trong thời khắc khó khăn nhất mà thôi, còn trong thực chiến nhất là khi phải chống lại cuộc tập kích bằng tên lửa hành trình thì S-300 khó mà phát huy tác dụng.

Bởi đối tượng tác chiến của S-300 là tên lửa đạn đạo chiến thuật hay tiêm kích, máy bay chỉ huy cảnh báo sớm trên không, máy bay ném bom... hoạt động ở độ cao lớn và trung bình.

Mặc dù Nga quảng cáo S-300 có thể giao chiến với mục tiêu bay thấp, nhưng việc S-300/400 của họ luôn cần có Pantsir-S1 đứng cạnh đóng vai trò cận vệ, bảo vệ nó trước tên lửa hành trình đối phương lợi dụng địa hình địa vật xâm nhập trận địa.

Bên cạnh đó, nếu phải đối diện với tên lửa hành trình, S-300 chưa rõ có thể phát huy thế mạnh thực sự hay không. Nhưng khi đối mặt với các cuộc không kích bằng chiến đấu cơ của Israel, hệ thống phòng không S-300 chắc chắn sẽ là ác mộng khiến Tel Aviv sẽ phải cân nhắc kỹ trước mọi quyết định của mình.