Dân Việt

“Thôi miên” khách bằng các sản phẩm du lịch nông nghiệp khác biệt

Tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch nông nghiệp vùng ĐBSCL năm 2018” do Tổng cục Du lịch phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới T.Ư, UBND tỉnh An Giang và Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức sáng nay (1.10), nhiều đại biểu đã “hiến kế” cho các địa phương “thôi miên” khách du lịch bằng các các sản phẩm, dịch vụ du lịch nông nghiệp khác biệt.

Ông Phan Đình Huê - đại diện Công ty Dịch vụ Du lịch Vòng Tròn Việt, chuyên gia tư vấn phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cho biết, hiện nay, khách nước ngoài đến ĐBSCL chủ yếu đi coi nhà vườn, ruộng lúa và lưu trú trong nhà dân (homestay). Lượng khách này đến ĐBSCL đều đặn hàng năm và đang là một trong những nguồn khách hàng chính của tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre và TP.Cần Thơ.

img

Ông Phan Đình Huê - đại diện Công ty Dịch vụ Du lịch Vòng Tròn Việt, chuyên gia tư vấn phát triển du lịch ĐBSCL phát biểu tại hội thảo.

Nếu có các sản phẩm mới, được tổ chức chặt chẽ và hợp với tâm lý của nhóm khách hàng này, ông Huê chắc chắn việc thu hút thêm đối tượng khách này cũng như kéo dài thời gian lưu trú của họ ở ĐBSCL hoàn toàn là việc trong tầm tay. Theo đó, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản có thể là các thị trường dễ thu hút với số lượng lớn.

“Đối với khách đến từ TP.HCM và các tỉnh miền Đông - vùng đô thị lớn với hơn 20 triệu người làm việc trong các ngành công nghiệp dịch vụ nên rất có tiềm năng. Đây là nhóm khách hàng có thu nhập cao, khả năng chi trả đa dạng từ mức trung bình đến cao cấp. Họ mua sắm xe cá nhân ngày càng nhiều và cùng với việc các trục đường giao thông chính đến ĐBSCL ngày càng được mở rộng thì họ chính là thị trường khổng lồ”, ông Huê nói.

Ông Huê đặc biệt nhấn mạnh: “Lâu nay, ĐBSCL chỉ mới xây dựng được một số sản phẩm du lịch nông nghiệp đơn giản, dễ bị sao chép. Để loại hình du lịch này trở thành một trong những loại hình du lịch chính, cần phải có chiến lược về phát triển sản phẩm cụ thể và có sự khác biệt”.

Ông Nguyễn Trọng Minh đến từ Công ty Viet Mekong cho biết, Đồng Tháp Mười là một địa danh mang vẻ đẹp đặc trưng của vùng ĐBSCL, gắn liền với hệ sinh thái ngập nước đầu nguồn Mekong chảy vào Việt Nam, nó gắn liền với các hoạt động khẩn hoang - mở cõi của các dân tộc Việt. Theo đó, sản phẩm du lịch nông nghiệp nơi đây chủ yếu được tạo ra dựa trên nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

img

Ông Nguyễn Trọng Minh - Công ty Viet Mekong.

Để du lịch nông nghiệp nơi đây phát triển, ông Minh cho rằng, các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện về quỹ đất, nguồn vốn vay cho các dự án du lịch nông nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, có những cơ chế đột phá để người dân có sự chủ động phát triển cũng như có những quy định bảo vệ tác quyền của các sản phẩm du lịch nông nghiệp. “Nếu không làm vậy sẽ bị lạc hậu, đánh mất nhiều cơ hội cho du lịch nông nghiệp Việt Nam”, ông Minh khẳng định.

Ông Phạm Thế Triều - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh An Giang nói rằng, An Giang là một trong những tỉnh đầu tiên triển khai loại hình du lịch nông nghiệp một cách có đầu tư. Năm 2007, An Giang là một trong số ít địa phương được Tổ chức nông dân Hà Lan (Agriterra) hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp và đã đạt được kết quả khá thành công. Nhờ Agriterra, 600 nông dân An Giang được đào tạo các kỹ năng du lịch, gần 100 hộ dân được đầu tư cơ sở vật chất, từ đó giúp cho các hộ dân tăng thu nhập từ 5 - 12 triệu đồng/tháng.

img

Ông Phạm Thế Triều - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh An Giang nói về tiềm năng du lịch nông nghiệp của địa phương.

Theo ông Triều, An Giang cũng có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp truyền thống từ các vùng chuyên canh cây ăn trái, rau màu, cây lúa, thủy sản như: Cù Lao Giêng (huyện Chợ Mới), Cù lao Tân Trung (huyện Phú Tân, xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên)…

“Qua kết quả khai thác và phát triển mô hình du lịch nông nghiệp của tỉnh, chúng tôi có thể khẳng định, đối với ĐBSCL, việc phát triển du lịch dựa trên ngành nông nghiệp giúp cho cư dân địa phương tăng thu nhập. Ưu tiên phát triển du lịch nông nghiệp là chính là con đường đưa cơ cấu kinh tế của vùng chuyển dần sang cơ cấu dịch vụ - nông - công nghiệp, đẩy nhanh tốc độ phát triển của vùng”, ông Triều nói.

img

Cá lóc bay - mô hình du lịch nông nghiệp sáng tạo của người dân Cồn Sơn (TP.Cần Thơ).

Lãnh đạo Sở VHTT&DL tỉnh An Giang kiến nghị Bộ VHTT&DL, Bộ KH&ĐT, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam có một số chính sách phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc thù cho vùng ĐBSCL. Cụ thể là tranh thủ các nguồn tài trợ để dành phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, hỗ trợ về chuyên môn trong xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển du lịch. Xây dựng kế hoạch hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch nông nghiệp ĐBSCL cả về cán bộ quản lý và lao động trực tiếp bằng nhiều hình thức.

Ông Triều nói: “Các địa phương ĐBSCL phải xác định thế mạnh du lịch nông nghiệp trọng tâm của mình, rồi sau đó liên kết với các địa phương trong vùng, liên kết với các nước trong tiểu vùng Mekong, thiết kế tour khám phá nền nông nghiệp Mekong, để tạo ra những biến đổi kỳ thú hấp dẫn cho du khách. Còn người dân thì nên mạnh dạn triển khai mô hình nông nghiệp xanh phục vụ phát triển du lịch".