Đến gia đình anh, chúng tôi ngợp mắt trước ngôi nhà khang trang nằm ven những ruộng quất trĩu quả rộng mênh mông, vàng ruộm.
Con đường anh Đại (phải) vận động bà con trong thôn làm. |
Làm giàu trên quê hương
Anh Đại cho hay, trước kia, cả nhà anh chỉ trông vào 6 sào ruộng (trong đó hơn 1 sào ruộng được chia, còn lại là ruộng đi thuê) trồng cà. Thấy trồng quất cho giá trị kinh tế cao, anh chuyển hết sang trồng quất. Những vụ quất đầu tiên, anh thu về 250 - 270 triệu đồng.
Anh chủ động tìm đến những vùng trồng quất nổi tiếng ở trong và ngoài tỉnh để học hỏi kỹ thuật. Từ chỗ chỉ có 2 sào ruộng, đến nay anh đã có gần 20 sào quất. Vụ tết năm ngoái, anh thu về hơn 300 triệu đồng. Chỉ những cây quất đang chín vàng, anh bảo vườn quất nhà anh năm nay có 1.000 gốc thế và quất tán, tuy mới vào đầu vụ, nhưng đến thời điểm này anh đã bán được 100 cây quất, thu về hơn 130 triệu đồng. Dự tính nếu bán hết số quất còn lại, gia đình anh thu về gần 650 triệu đồng.
Vào những ngày giáp tết này, ngày nào vườn quất nhà anh cũng có khoảng chục khách tìm đến mua. "Nhờ quất, cuộc sống của gia đình tôi đã thay đổi rõ rệt. Hiện nay, tôi đang phát triển cam cảnh và quất thế, đây là những mặt hàng cho giá trị cao, được nhiều người ưa chuộng trong dịp tết. Vào những ngày giáp tết, ô tô tải lớn nhỏ nối đuôi nhau đến chở cam, quất đi các nơi tiêu thụ. Nhưng điều làm tôi thấy hạnh phúc nhất là từ đôi bàn tay trắng, tôi đã làm giàu trên chính đồng đất quê mình" - anh nói.
Con đường đoàn kết
Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh còn rất khéo trong tuyên truyền vận động ND, điển hình là vận động bà con tham gia đóng góp làm đường giao thông nông thôn.
Thấy những cung đường trong thôn xóm là đường đất, không đủ chiều rộng và độ dày theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới, gây khó khăn cho người và phương tiện đi lại, được Đảng uỷ xã đồng ý, anh đứng lên vận động bà con trong xóm ngoài làng nâng cấp đường đi. Bằng những lý lẽ thuyết phục, anh nhận được sự đồng tình ủng hộ của các hộ, theo đó nhiều tuyến đường đã được nâng cấp và làm mới.
Năm 2011, mỗi hộ trong xóm đóng góp từ 2-5 triệu đồng, nhiều hộ như gia đình anh Phạm Hoàng Tùng góp 10 triệu đồng; anh Phạm Hoành Huy góp 20 triệu đồng... riêng gia đình anh góp 20 triệu đồng để làm con đường dài 470m với tổng kinh phí gần 500 triệu đồng. Đường được đổ bê tông, dày từ 10-12cm, thoát nước dễ dàng, có hệ thống đèn cao áp chiếu sáng vào ban đêm. Ngay sau khi con đường hoàn thành, anh đã tổ chức một chuyến hành trình về nguồn để báo công với Bác tại Làng Sen (Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An) để tạo thêm tình đoàn kết gắn bó xóm làng, và cũng từ đó con đường được mang tên "Đoàn kết".
Việc làm của anh nhận được sự đồng thuận cao của bà con. Hiện nay đã có 13 tuyến đường xương cá trong thôn được bê tông hoá. Công trình hoàn thành góp phần làm đẹp cảnh quan thôn xóm, giúp nhân dân đi lại thuận tiện.
Anh Đại tâm sự: "Làm kinh tế cho mình thì chỉ nhà mình được hưởng. Hội viên tín nhiệm bầu mình làm Chi hội trưởng ND, mình phải làm thật tốt để không phụ lòng bà con, lối xóm".
Hoàng Hằng