Hành khách theo dõi bảng giá vé tàu tại ga Sài Gòn. Ảnh: P.T
Nhiều hình thức mua vé, thanh toán thuận tiện
Theo thông báo trước đó của Chi nhánh vận tải Đường sắt Sài Gòn, sáng nay (1.10) là ngày chính thức mở bán vé tàu Tết 2019 dành cho các chuyến tàu số chẵn (hướng Sài Gòn đi Hà Nội), xuất phát tại Sài Gòn từ 0h ngày 25.1.2019 (ngày 20 tháng Chạp âm lịch) đến hết 24h ngày 7.2.2019 (mùng 3 tháng Giêng âm lịch); các chuyến tàu số lẻ (hướng Hà Nội đi Sài Gòn) xuất phát tại Hà Nội từ 0h ngày 8.2.2019 (tức mùng 4 tháng Giêng âm lịch) đến hết 24h ngày 20.2.2019 (tức ngày 16 tháng Giêng âm lịch).
Sẽ có hơn 300.000 vé tàu được bán ra để đảm bảo nhu cầu đi lại của hành khách tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán.
Theo kế hoạch, năm nay lịch chạy tàu Tết tại ga Sài Gòn bắt đầu tính từ ngày 23.1.2019 (tức ngày 18 tháng Chạp) đến hết ngày 22.2.2019 (tức ngày 18 tháng Giêng).
Theo Chi nhánh vận tải Đường sắt Sài Gòn, để mua được vé tàu Tết Nguyên đán 2019, khách hàng có thể mua vé tàu bằng nhiều hình thức, có thể thanh toán online mà không cần phải ra tận ga, đỡ mất thời gian chờ đợi, chi phí đi lại… Cụ thể, có 5 cách mua vé: Mua trên trang website: dsvn.vn; mua vé trực tiếp tại ga Sài Gòn; mua qua tổng đài 19001520; mua tại các cửa vé tàu ngoài ga như phòng vé Bến Thành (75 Huỳnh Thúc Kháng, quận 1) và phòng vé ga Bình Triệu (5 Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức) và mua tại các đại lý vé tàu trên website: chinhanhduongsatsaigon.vn.
Hành khách ngồi chờ đến lượt mua vé tàu. Ảnh: P.T
Nhà ga Sài Gòn năm nay mở thêm 3 quầy bán vé Tết để việc mua vé của hành khách được nhanh hơn, tăng tổng số quầy bán vé lên 17 quầy. Dự kiến mỗi ngày lượng vé bán trực tiếp tại các quầy là 1.500 vé, tăng hơn so với các năm trước. Thời gian bán từ 8h sáng tới 22h mỗi ngày.
Năm nay, ngoài việc nâng cao chất lượng bán vé tàu Tết qua các ứng dụng công nghệ mới, việc kiểm soát cũng được siết chặt để hạn chế vé giả tại các nhà ga lớn. Theo đó, cùng với ga Hà Nội và Đà Nẵng, tại ga Sài Gòn, ngành đường sắt đã lắp cổng soát vé điện tử. Nhân viên các nhà ga cũng được trang bị các thiết bị cầm tay nhằm kiểm soát chéo vé tàu, người đi tàu trong dịp Tết 2019.
Sau khi mua vé tàu Tết, người dân nếu có nhu cầu đổi, trả vé cần thực hiện đổi trả chậm nhất trước 10 giờ tàu chạy với vé cá nhân và trả trước 24 giờ tàu chạy đối với vé tập thể, phí khấu trừ cho việc đổi trả khoảng 30% mỗi vé.
Năm nay, trong kế hoạch bán vé tàu Tết 2019, các đối tượng có công với cách mạng, trẻ em dưới 6 tuổi, hành khách tập thể cũng được áp dụng các chương trình giảm giá vé.
Theo đó, giảm 90% giá vé cho người hoạt động cách mạng trước Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945, bà mẹ Việt Nam anh hùng; giảm 30% giá vé cho các đối tượng là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật đặc biệt nặng và người khuyết tật nặng; miễn phí vé cho trẻ em dưới 6 tuổi đi cùng với người lớn (trẻ em miễn vé phải sử dụng chung chỗ của người lớn đi cùng); giảm giá từ 3 - 12% cho hành khách mua vé tập thể có số lượng hành khách từ 10 người trở lên.
Đặc biệt, năm nay đối tượng là sinh viên được giảm tới 30%, giảm nhiều so với năm trước 10%.
Hết phải chen lấn nhưng vé vẫn khó mua
Có mặt tại ga Sài Gòn sáng nay, phóng viên ghi nhận đã có nhiều người dân đến từ trước 8h chờ đợi để mua vé. Chị Hương (quê Tam Kỳ, Quảng Nam) và nhóm chị em cùng quê cho biết, năm nào các chị cũng về quê bằng tàu hỏa, vừa rẻ vừa tiện. Những năm trước không có kinh nghiệm, việc mua vé khó khăn nên để có được tấm vé lên tàu vô cùng vất vả. Có năm chị còn không mua được vé, phải đi bằng ô tô chen lấn, chật chội.
Năm nay, các chị “canh” từ sáng sớm 30.9, đúng 8h khi hệ thống tiếp nhận thông tin, các chị nhắn tin gửi đi ngay. “Vậy mà số của chị cũng đã lên tới hơn 300 và không biết chị và các chị cùng nhóm đây có mua được vé vào ngày mình muốn là vào các ngày 25, 26, 27 (tháng 12 âm lịch) hay không nữa. Như mọi năm những ngày đó đều không còn vé. Hy vọng năm nay đăng ký được sớm sẽ còn vé những ngày đó”, chị Hương tâm tư.
Tuy nhiên, vẫn có hành khách phản ánh không đăng ký được qua hệ thống tin nhắn, phải đến tận ga, rất mất thời gian. Như chị Tiên (quê ở Huế, thường trú tại quận 12) phản ánh: "Cả ngày 30.9, chị nhắn tin, gọi điện đăng ký không được. Hệ thống tổng đài cho số điện thoại các đại lý tùm lum. Hôm nay, chị phải lên tận ga lấy số nhắn tin mà số thứ tự lên tới gần 800".
Sau khi lấy số, chị Tiên lại phải về. Đến ngày mai (2.10), chị mới quay lại thanh toán, lấy vé. “Mình ở gần chứ có người tận Vũng Tàu, Đồng Nai… mai phải quay lại rất mất công”, chị Tiên chia sẻ.
Ông Đỗ Quang Văn - Giám đốc Chi nhánh Vận tải Đường sắt Sài Gòn trả lời báo chí. Ảnh: P.T
Ông Đỗ Quang Văn - Giám đốc Chi nhánh Vận tải Đường sắt Sài Gòn cho biết: "Để tránh mua phải vé giả, hành khách nên mua vé tại trang web hoặc các đại lý chính thức của công ty, mua tại các quầy của ga. Đồng thời, để hạn chế tối đa việc đầu cơ, mỗi số thứ tự chỉ được mua tối đa 4 vé. Tuy nhiên, nếu vì lý do đặc biệt như gia đình có 5 người, có người trong gia đình đi cùng, nhân viên bán vé sẽ tạo điều kiện để hành khách được mua thêm chứ không cứng nhắc".
Cùng với đó, ga Sài Gòn phối hợp với các đơn vị liên quan như FPT, Ngân hàng VIB thành lập tổ chốt trực tại ga Sài Gòn để hỗ trợ, hướng dẫn khách hàng trong công tác đặt chỗ, thanh toán tiền và in vé.
Theo ghi nhận của Dân Việt, nhìn chung, tình hình khách tới mua vé trực tiếp tại các cửa ga Sài Gòn không đông và lộn xộn như nhiều năm trước. Việc bấm số, đăng ký qua tin nhắn, lấy vé và thanh toán tại quầy diễn ra trật tự, có nhân viên nhà ga hướng dẫn từng hành khách nếu khách có thắc mắc và chưa rõ thủ tục.
Tính đến 10h sáng nay, theo thông tin từ FPT Information System (FPT IS) - đơn vị xây dựng và vận hành hệ thống bán vé điện tử (website: DSVN.VN) của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, tổng số lượng vé đã được đặt là 69.331 vé. Trong đó, số lượng vé bán online là 10.801 vé, số lượng mua trực tiếp tại cửa ga là 11.695 vé, số lượng mua qua đại lý là 919 vé. |