Dân Việt

Yêu cầu đặc biệt với người được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm

Ngọc Lương 01/10/2018 15:11 GMT+7
Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn có thêm một yêu cầu quan trọng.

img

Các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước ở nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm (ảnh Quochoi.vn).

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc vừa có thông báo kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 27 (họp từ ngày 10 đến 20.9.2018).

Trong các nội dung thông báo có vấn đề về việc triển khai chuẩn bị công tác lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất giao Ban Công tác đại biểu có văn bản đề nghị người được lấy phiếu tín nhiệm chuẩn bị các văn bản theo quy định tại nghị quyết của Quốc hội.

Trong đó, người được lấy phiếu tín nhiệm phải có báo cáo đầy đủ các nội dung kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; việc chấp hành Hiến pháp và pháp luật tính từ thời điểm được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Báo cáo này có độ dài 4-5 trang, đánh máy và in trên giấy khổ A4.

Ngoài ra, báo cáo cần bổ sung nội dung tự đánh giá, kiểm điểm về việc có hay không những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ theo Nghị quyết T.Ư 4 khoá XII.

Người được lấy phiếu tín nhiệm cũng phải báo cáo về việc tự đánh giá, kiểm điểm về thực hiện việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế ở cơ quan, tổ chức, đơn vị mình theo Nghị quyết T.Ư 6, và nghị quyết số 56 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Ngoài ra, người được lấy phiếu tín nhiệm phải kê khai tài sản, thu nhập theo quy định về minh bạch tài sản, thu nhập.

Thông báo này cũng cho biết, thời điểm trình Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm là đầu kỳ họp thứ 6 dự kiến khai mạc ngày 22.10 tới đây.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Trần Văn Túy, Trưởng Ban Công tác đại biểu (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) cho biết: Ở lần lấy phiếu tín nhiệm trước của Quốc hội chưa có yêu cầu người lấy phiếu tín nhiệm phải có nội dung tự đánh giá, kiểm điểm về việc có hay không những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; tự đánh giá, kiểm điểm về việc thực hiện việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế ở cơ quan, tổ chức. “Đây là những nội dung được cập nhật theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 và Trung ương 6 khóa XII”, ông Túy cho biết.

PV Dân Việt nêu câu hỏi, cơ chế nào để kiểm tra, giám sát nội dung báo cáo nêu của những người sẽ được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm, ông Túy cho biết: Quá trình công tác của người được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm được các đại biểu và cử tri theo dõi; người được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm phải gửi các nội dung báo cáo trước 20 ngày, thời gian đó đại biểu sẽ đọc, xem xét và đưa ra nhận xét, có thể sẽ chất vấn và khi yêu cầu thì người lấy phiếu tín nhiệm phải giải trình; một kênh nữa là thông qua tiếp xúc cử tri, các cử tri có ý kiến về người được lấy phiếu tín nhiệm và đại biểu Quốc hội sẽ sàng lọc để có ý kiến.

Theo Nghị quyết số 85/2014/QH13, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ sau đây:

- Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước;

- Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội;

- Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ;

- Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước.