Dân Việt

5 năm tái cơ cấu nông nghiệp Hà Nội: Nhiều mô hình thu nhập tiền tỷ

Thu Hà 03/10/2018 06:07 GMT+7
Sau 5 năm thực hiện đề án tái cơ cấu (2013 - 2017), ngành nông nghiệp của Hà Nội liên tục đạt mức tăng trưởng khá; giá trị gia tăng bình quân 2,23% cho cả giai đoạn. TP.Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020, thu nhập bình quân dân cư nông thôn đạt 49 triệu đồng/người/năm.

Vừa qua, UBND TP.Hà Nội đã tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp TP.Hà Nội (2013-2017). Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Sửu chủ trì hội nghị. Cùng dự có Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam.

Nhiều thành tích nổi bật

img

 Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Hà Nội Nguyễn Văn Sửu (thứ 2 từ trái sang) tham quan gian hàng nông sản trưng bày bên lề hội nghị. Ảnh: Thu Hà

Tại hội nghị, 7 tập thể, cá nhân đã được Bộ NNPTNT đã trao tặng bằng khen; 18 tập thể, cá nhân khác cũng được UBND TP.Hà Nội trao tặng bằng khen.

Theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội, sau 5 năm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Thủ đô, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng ngành nông nghiệp thành phố vẫn đạt mức tăng trưởng khá. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2017 đạt 35.133 tỷ đồng, tăng so với năm 2013 là 13,08%. Giá trị gia tăng toàn ngành nông nghiệp Thủ đô đạt bình quân 2,23% cho cả giai đoạn 5 năm.

Cụ thể, đối với lĩnh vực trồng trọt, thành phố đã đẩy mạnh công tác chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn, giá trị tăng từ 3 - 8 lần so với trồng lúa. Theo đó, thành phố đã xây dựng 101 vùng sản xuất rau an toàn tập trung, quy mô từ 20ha trở lên cho giá trị sản xuất từ 400 - 500 triệu đồng/ha/năm; phát triển 50 vùng sản xuất hoa, cây cảnh 20 ha/vùng cho giá trị từ 0,5 - 1,5 tỷ đồng/ha/năm...

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, TP.Hà Nội đã có sự chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chuyển dần sang chăn nuôi trang trại, chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư. Hiện, trên địa bàn Hà Nội đã xây dựng được 15 vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn ngoài khu dân cư đạt giá trị từ 1 - 2 tỷ đồng/ha/năm; 101 mô hình trang trại chăn nuôi tập trung áp dụng công nghệ cao hoặc chăn nuôi khép kín từ đầu vào đến tiêu thụ, xây dựng được 12 nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông nghiệp...

Đáng chú ý, hiện nay toàn TP.Hà Nội có 123 mô hình ứng dụng công nghệ cao, trong đó trồng trọt chiếm khoảng 18%, chăn nuôi 34%, thủy sản 13%.

Một trong những kết quả nổi bật trong 5 năm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Thủ đô là những thành tựu trong xây dựng nông thôn mới (NTM), với 4 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện NTM, tăng 3 huyện so với năm 2013. Hà Nội còn có 294/386 xã đạt chuẩn NTM, tăng 244 xã so với năm 2013. Với những kết quả này, Hà Nội được T.Ư đánh giá là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong xây dựng NTM.

TP.Hà Nội đặt ra mục tiêu: Đến năm 2020 phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt khoảng 2,5 - 3,0%. Số xã đạt chuẩn NTM 347/386 xã trở lên, có 14 huyện đạt chuẩn NTM; thu nhập bình quân dân cư nông thôn đạt 49 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt 70 - 75%; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn dưới 1,5%...

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao

img

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam đánh giá Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong đó, điểm nhấn lớn nhất là thành công của công tác dồn ghép ruộng đất, tạo đòn bẩy cho sự phát triển nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, thời gian tới, Hà Nội cần tiếp tục phát huy lợi thế là nơi tập trung nguồn tri thức lớn để phát triển trở thành trọng điểm của cả nước về chuyển giao khoa học kỹ thuật giống cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó, Hà Nội cần thúc đẩy lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp nhằm gắn kết nông nghiệp vùng ngoại thành với trung tâm. Đồng thời, tiếp tục quan tâm hơn nữa đến phát triển nông nghiệp hữu cơ, tiến tới xây dựng vành đai xanh cho các nông sản an toàn.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Sửu khẳng định, trong 5 năm qua, thành có tốc độ nông nghiệp phát triển nhanh. Bộ mặt nông thôn đã có nhiều đổi mới. Người dân ở khu vực nông thôn không chỉ có thêm thu nhập từ các mô hình trồng trọt, chăn nuôi mà đời sống cũng được nâng cao. Thành phố đã triển khai đề án tái cơ cấu cần thực hiện bằng những việc làm cụ thể.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh, phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn thực phẩm là xu hướng tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại. Theo đó, các sở, ban ngành, địa phương cần đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa; thúc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là công nghệ cao vào các lĩnh vực sản xuất.

Đồng thời, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ mới, thành tựu của cuộc cánh mạng 4.0 vào sản xuất nông nghiệp.