Giá cà phê nhân xô tại Việt Nam đã tăng tới 600 đồng/kg nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ trên sàn kì hạn. Đây là thông tin đáng mừng khi Việt Nam đang chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch cà phê mới. Ảnh minh hoạ: I.T
Ngạc nhiên vì giá cà phê liên tiếp tăng mạnh
Sau phiên tăng 300 đồng/kg ngày hôm qua, sáng nay giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục được cộng thêm tới 600 đồng/kg. Như vậy là chỉ sau 2 phiên, giá cà phê nguyên liệu đã tăng tới xấp xỉ 1 triệu đồng/tấn.
Hiện giá cà phê tại tỉnh Lâm Đồng đạt 34.000 đồng/kg; các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk lần lượt ở mức 34.400 đồng/kg, 34.500 đồng/kg, cao nhất là tại Gia Lai, hiện giá cà phê được giao dịch ở mức 34.600 đồng/kg.
Tại cảng TP.Hồ Chí Minh, giá cà phê xuất khẩu tăng tới 32 USD/tấn, chốt tại mức 1.559 USD/tấn, trừ lùi 45 USD/tấn. Đây cũng là lần tăng giá mạnh nhất của thị trường cà phê trong nước kể từ đầu năm đến nay.
Giá cà phê hôm nay tại một số thị trường. Nguồn: giacaphe
Sở dĩ giá cà phê nguyên liệu trong nước được điều chỉnh tăng mạnh là do giá cà phê trên sàn kì hạn ngày hôm qua đã có phiên giao dịch sôi động. Cụ thể, giá cà phê robusta tại sàn London kì hạn giao tháng 11/2018 tăng 32 USD/tấn, lên mức 1.604 USD/tấn, tương đương tăng 2,04%.
Điều đặc biệt là thị trường cà phê arabica tăng trưởng rất mạnh, giá chốt phiên tại sàn New York ngày hôm qua đạt 107,65 cent/lb, tăng tới 5,45 cent/lb, tương đương mức tăng 5,33%. Đây cũng là mức tăng kỉ lục trên thị trường cà phê từ đầu năm đến nay.
Giá tiêu vẫn ở mức thấp, nhiều nông dân không còn mặn mà với hồ tiêu
Theo ghi nhận từ thị trường, giá hồ tiêu hôm nay tại các vùng nguyên liệu trọng điểm của nước ta không đổi. Hiện giá cao nhất là tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Bà Rịa - Vũng Tàu, đạt 52.000 đồng/kg; giá tiêu tại tỉnh Gia Lai, Bình Phước ở mức 51.000 đồng/kg, còn tỉnh Đồng Nai có mức giá thấp nhất, đạt 50.000 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay 3/10 vẫn giao dịch ở mức thấp, chỉ đạt 50.000 - 52.000 đồng/kg. Ảnh minh hoạ: I.T
Giá tiêu giảm sâu suốt từ năm 2017 đến nay, lại thêm tình trạng tiêu chết nhiều vì nhiễm dịch bệnh đã đẩy nhiều hộ gia đình lâm vào cảnh khó khăn cùng cực, người phải bán nhà, bán vườn tiêu trả nợ, người thì bỏ xứ đi làm ăn xa...
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Gia Lai, tổng dư nợ cho vay để nông dân trồng, chăm sóc hồ tiêu đến nay là hơn 4.382 tỉ đồng, riêng huyện Chư Pưh chiếm khoảng 1.500 tỉ đồng với 8.104 hộ vay.
Một cán bộ ở đây đã lắc đầu khi liệt kê hàng loạt hộ bỏ đi hoặc bị ngân hàng kê biên tài sản như hộ ông: Nguyễn Văn Kh, Nguyễn Văn T, ông Vương H.., hoặc hộ tự nguyện giao nộp tài sản cho ngân hàng như hộ ông: Nguyễn H, Nguyễn L, Lê Văn Th… “Còn nhiều lắm, chưa liệt kê đầy đủ hết!”, vị cán bộ này nói.
Đặc biệt, một báo cáo của xã Ia Blứ còn cho biết: “Các hộ kiệt quệ đến nỗi phải vay nóng tín dụng đen để trả lãi và tiền gốc ngân hàng”.
Người dân tỉnh Gia Lai bên những trụ tiêu đã chết, được nhổ lên chất thành đống. Ảnh: I.T
Phải làm gì để cứu người trồng tiêu? Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch thường trực – Tổng Thư ký Hiệp hội hồ tiêu Chư Sê – Gia Lai khuyến cáo: Trước mắt là tạm dừng trồng mới cây hồ tiêu. Thậm chí, bỏ hẳn không trồng trong vòng 5 năm. Bà con có thể chuyển sang trồng các loại cây ăn quả, hoặc cây thế mạnh của Tây Nguyên như cà phê...
Ông Bình nói, hiện giờ lượng hồ tiêu cung đã vượt cầu. Lượng xuất nhập khẩu của cả thế giới là 372 nghìn tấn, trong khi Việt Nam xuất 215 nghìn tấn (20 nghìn tấn Việt Nam mua từ nước khác về, xuất ra lại, số liệu năm 2017). Sau 5 năm, tự thị trường điều tiết và diện tích ắt tự giảm xuống. “Bởi hiện nay giá hồ tiêu thấp, người dân sẽ bỏ đầu tư, chuyển cây trồng mới, giảm đầu tư, sâu bệnh chẳng màng chữa…, dần sẽ kéo diện tích hồ tiêu giảm xuống”.