Dân Việt

10 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư4: Biển là bậc thềm vươn ra thế giới

Nguyễn Tố 04/10/2018 16:00 GMT+7
Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 8, về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, biển, đảo không chỉ là bộ phận cấu thành chủ quyền, quyền chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc mà còn là không gian sinh tồn và phát triển của các thế hệ người Việt Nam…

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các vùng biển nước ta có vị trí địa chính trị, địa quân sự, địa kinh tế quan trọng trong khu vực và trên thế giới; thế kỷ XXI được coi là kỷ nguyên của đại dương, việc "vươn ra biển" đã trở thành xu thế lớn, định hướng quan trọng của các quốc gia có biển và cả quốc gia không có biển.

Nắm bắt xu thế chung đó của thế giới, khu vực và xuất phát từ yêu cầu của thực tế xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khoá X (tháng 2.2007) đã ban hành Nghị quyết số 09 về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, trong đó xác định rõ quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, định hướng chiến lược và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về phát triển các ngành, lĩnh vực liên quan đến biển, đảo Việt Nam, nhằm đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển.

Cửa ngõ để Việt Nam vươn ra thế giới

img

10 năm thực hiện Chiến lược biển, khu vực kinh tế ven biển đang chiếm 60-70% GDP cả nước. Ảnh: IT

Nghị quyết số 09-NQ/TW đã đề ra 5 lĩnh vực ưu tiên phát triển là: Khai thác, chế biến dầu khí; khai thác và chế biển hải sản; phát triển kinh tế hàng hải; phát triển du lịch và nghỉ dưỡng biển; tăng xây dựng các khu kinh tế, khu công nghiệp.

Việt Nam là một trong những nước có lợi thế về biển, có vị trí địa lý thuận lợi nằm trên đường hàng hải quốc tế, có cảng biển sâu, có điều kiện để phát triển hàng hải, hàng không, du lịch biển, nuôi trồng thủy hải sản… Với chiều dài bờ biển 3.260km, 1 triệu km2 vùng biển kinh tế đặc quyền rộng gấp 3 lần diện tích đất liền, có vị trí địa chính trị hết sức quan trọng với hơn 3.000 hòn đảo.

Qua 10 năm thực hiện Chiến lược biển, bên cạnh những dấu ấn tích cực, vẫn còn rất nhiều mục tiêu trước mắt. Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà nhấn mạnh, 10 năm qua, Chiến lược biển đã mang lại sự thay đổi căn bản. Việt Nam chuyển hẳn định hướng trở thành một quốc gia biển, hướng ra biển, coi biển là cửa ngõ, là bậc thềm để Việt Nam vươn ra thế giới.

“Đánh giá chung về chỉ số GDP của các tỉnh ven biển, kết quả phát triển kinh tế xã hội khu vực ven biển, cuộc sống người dân ven viển… đều cho thấy các vùng ven biển đã trở thành những khu vực phát triển hết sức năng động. Các vùng này trở thành trung tâm kinh tế và động lực kinh tế, tạo động lực rất lớn về đầu tư và phát triển cho cả nước” – Bộ trưởng TNMT khẳng định.

Cũng theo Bộ trưởng Hà, thành tựu đạt được từ việc thực hiện Chiến lược biển là cơ bản. Tính chung GDP cả nước, khu vực ven biển chiếm tới 60-70%. Đời sống người dân vùng biển cải thiện nhanh so với nhiều địa phương không có biển. Các vấn đề khác như an ninh quốc phòng, giữ vững chủ quyền, trật tự thì đều đạt quốc tế tốt.

Cùng với đó là các chính sách hợp tác phát triển nghề cá với các quốc gia có vùng đánh cá chung với Việt Nam; tổ chức thành lập các tổ đội, nghiệp đội đánh cá xa bờ; thiết lập và áp dụng một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa.

Việc ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi nêu trên đã có tác động tích cực đối với lực lượng lao động tại các vùng có điều kiện khó khăn gian khổ ven biển, trên đảo, trên biển. Đây là lực lượng hết sức quan trọng đối với việc hiện diện dân sự và phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm an ninh, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Ba khâu đột phá

img

Mặc dù đạt được những kết quả khả quan, nhưng Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà cũng thừa nhận, dù tỷ trọng tăng nhanh nhưng thu nhập đầu người của người dân vùng biển vẫn thấp hơn mức trung bình cả nước. Điều đó chứng tỏ những yếu tố khác như chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nghề… quyết định lớn tới chất lượng tăng trưởng. Những tính toán đưa ra chưa hết nên thực hiện chưa được xác đáng.

Bộ trưởng lấy ví dụ, ngành dầu khí không đạt chỉ tiêu phát triển có lý do khách quan là giá dầu thế giới biến động quá mạnh. Ngay khi Chiến lược biển vừa được thông qua thì nền kinh tế thế giới liên tiếp gặp khủng hoảng, giá dầu “rớt” ở mức ngoài khả năng có thể dự báo.

Theo nhận định của PGS-TS Nguyễn Chu Hồi - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam phải củng cố vùng duyên hải với tư cách là vùng kinh tế động lực và sớm kết nối không gian của duyên hải với không gian của đảo. Bởi vì hệ thống đảo là sự phân hóa lãnh thổ tự nhiên sẽ cho chúng ta thế và lực mới nếu chúng ta tranh thủ được nó.

Bên cạnh chuỗi đô thị ven biển cũng cần hình thành các đô thị đảo, hình thành các cực phát triển để thu hút, đồng thời kết nối với đất liền, gia tăng sức mạnh của Việt Nam trên biển và mở rộng bán kính ảnh hưởng ra các vùng biển còn lại của đất nước.

Trong khi đó, tình hình Biển Đông có những diễn biến phức tạp và có tác động mạnh mẽ đến quá trình thực hiện chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, để đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết Trung ương 4, khóa X, về “Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020” đã đề ra cũng như thúc đẩy mạnh mẽ quá trình phát triển kinh tế biển nước ta phát triển trong thời gian tới, trong thời gian tới cần nhấn mạnh những khâu đột phá: “Thứ nhất là thể chế, cần tạo hành lang pháp lý tốt hơn nữa; thứ 2 là khoa học công nghệ, thứ 3 là nguồn nhân lực chất lượng cao đón vai trò đột phá và xuyên suốt chứ không phải dựa vào tài nguyên”.