Hiện tượng cho vay nặng lãi hay còn gọi là tín dụng đen, hiện đã có cả hình thức online. Người đi vay thậm chí phải trả lãi suất lên đến 700%/năm cho khoản vay ban đầu.
Dân Việt đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Tuấn Anh - Đoàn Luật sư TP Hà Nội về vấn đề này.
Thưa luật sư, việc cho vay bên ngoài các định chế tài chính có vi phạm pháp luật hay không?
- Ngoài các đơn vị được phép cấp phép cho vay như ngân hàng hay các tổ chức tài chính, người dân hoàn toàn có quyền cho nhau vay. Đây là hình thức cho vay dân sự, không phải là hoạt động tín dụng. Hình thức này tồn tại rất xa xưa và không thể phủ nhận trong đời sống, giúp người ta tương trợ lẫn nhau trong việc phát triển đời sống xã hội. Điều này nên khuyến khích, phát huy.
Thủ đoạn của các đối tượng cho vay nặng lãi là không bao giờ quy định lãi suất trong giấy cho vay, nên khó có căn cứ.
Tuy nhiên không quản lý được vấn đề này sẽ phát sinh ra việc cho vay nặng lãi. Tiếp đó, cho vay nặng lãi sẽ phát sinh ra rất nhiều những hệ lụy trong xã hội. Vì vậy, pháp luật đã quy định trong trường hợp cho vay nặng lãi dưới 100%/năm (trên 100%/năm) sẽ bị xử lý hành chính từ 5.000.000 - 15.000.000 đồng theo điểm d Khoản 3 Điều 11 Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Trong trường hợp cho vay nặng lãi trên 100% so với khoản tiền gốc sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự năm 2015.
Luật sư Trần Tuấn Anh - Đoàn Luật sư TP Hà Nội
Việc cho vay nặng lãi, vay lãi suất đen đã có nhiều biến tướng, thậm chí có thể vay online với lãi suất lên đến 700%/năm. Làm thế nào cơ quan chức năng có thể xử lý được vấn đề này?
- Đúng là hiện nay có nhiều hình thức cho vay có biến tướng thành vay nặng lãi, như vay qua tiệm cầm đồ, vay online, vay tín chấp ngoài xã hội. Tuy nhiên, việc cho vay nặng lãi rất khó để xác định, xử lý. Thủ đoạn của các đối tượng cho vay nặng lãi không bao giờ quy định lãi suất trong giấy cho vay, khó có căn cứ. Thậm chí, đến mức đối tượng cho vay nặng lãi thường uy hiếp đến sức khỏe, tính mạng, tinh thần của đối tượng vay để đòi nợ.
Có nhiều vụ việc cho vay nặng lãi xảy ra nhiều hệ lụy và hậu quả kèm theo nhưng đến nay, hiếm trường hợp nào cho vay nặng lãi bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cơ quan chức năng TP.HCM vừa đưa ra phương án siết chặt quản lý các hiệu cầm đồ về hoạt động cho vay mà thật ra là cho vay nặng lãi. Vậy việc quản lý như thế có hiệu quả không hay chỉ mang tính hình thức?
- Đối với các hiệu cầm đồ từ xưa đến giờ vẫn có các hình thức quản lý. Quản lý ở việc cấp phép điều kiện kinh doanh phải có giấy phép về an ninh trật tự buộc các hiệu cầm đồ phải đặt dưới sự quản lý của công an khu vực. Theo tôi, hành lang pháp lý theo tôi thế là đủ rồi.
Nhưng thật ra họ núp bóng dưới hình thức cầm đồ để cho vay nặng lãi. Có những nơi, biển hiệu cầm đồ đổi thành ký gửi để lách cơ quan chức năng. Đấy là hình thức lách luật của các cá nhân tổ chức đang hoạt động cầm đồ chui.
Điều này dẫn đến đến rủi ro gì đối với người đi vay, thưa luật sư?
- Rủi ro đầu tiên cho người đi vay là phải chịu lãi suất cao và trong trường hợp không trả được thì sẽ chịu mất đồ. Thứ 2, khi người đi vay không trả được thì các đối tượng cho vay sử dụng biện pháp đe dọa uy hiếp đến tinh thần, tính mạng. Vì vậy, người vay cần phải có những biện pháp để bảo vệ mình như: Sử dụng nguồn tài chính hợp pháp tức là cầm đồ, hay vay mượn ở các tổ chức tín dụng được phép; tự quản lý tài chính cá nhân tránh dẫn đến phải sự dụng quỹ tín dụng đen.
Theo ông, vì sao quỹ tín dụng đen có nhiều rủi ro nhưng người dân vẫn tìm đến tín dụng đen thay vì tìm đến các tổ chức tín dụng được cấp phép?
- Vì hiện trạng các ngân hàng bây giờ người vay không dễ dàng để tiếp cận được nguồn vốn tín dụng sạch. Để đi vay được ngân hàng là cả một quá trình, không nhanh chóng như sử dụng quỹ tín dụng đen. Theo tôi, lý do quan trọng nhất là khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng.
Luật sư Hoàng Trọng Giáp - Đoàn Luật sư TP Hà Nội: Bản chất của vay tín dụng đen là dễ dàng vay một khoản tiền lớn mà không cần một biện pháp bảo đảm tiền vay nào như thế chấp, cầm cố tài sản… Chỉ cần một bản hợp đồng giữa 2 bên, dễ dàng, tiện lợi, nhanh chóng. Vì vậy rủi ro đối với cả hai bên là rất lớn. Việc vay một khoản tiền lớn với lãi suất cao hơn mấy chục lần so với vay ngân hàng có thể khiến bên vay đã khó khăn lại còn khó khăn hơn nếu không trả được lãi, thời gian lâu dài không trả được, lãi dồn lãi có thể còn cao hơn cả số tiền ban đầu đi vay. Trong khi đó, Luật các tổ chức tín dụng và Luật ngân hàng là 2 văn bản pháp luật cơ bản quản lý chi tiết cụ thể đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng. Các hành vi vi phạm pháp luật về cho vay có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự, cụ thể: a/ Xử lý hành chính: Căn cứ nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng: điểm d, khoản 3, Điều 15 Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đối với hành vi “Áp dụng lãi suất cấp tín dụng không đúng quy định của pháp luật” b/ Xử lý hình sự: BLHS 2015 sửa đổi bổ sung 2017 Điều 201. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự 1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. 2. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên155, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Ngoài ra nếu có dấu hiệu của hành vi lừa đảo, các cá nhân, tổ chức vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174) hay lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175) |