Dân Việt

Vào sâu khe núi thẳm săn cá hiếm, đặc sản rừng ăn 1 lại muốn ăn 2

Ngọc Mai 06/10/2018 06:30 GMT+7
Ở bản Nậm Lộng (xã Hang Chú, Bắc Yên, Sơn La) có một loài cá hiếm, thân giống cá trê, lớn chỉ bằng chuôi dao, sống nơi khe suối, hốc đá nơi đầu nguồn những con suối nước trong, sạch. Đặc biệt, chỉ cần nước ngả màu đục là chúng không thể sống được nên bà con nơi đây vẫn thường gọi loại cá này là cá siêu sạch.

Vùng cao Tây Bắc nơi có những khu vực núi non hiểm trở, rừng rậm quanh năm, nơi có những con suối nước chảy trong vắt, ở đó có một loài cá hiếm có một không hai, cá siêu sạch thịt ngon nức tiếng, thưởng thức một lần lại muốn lần hai, bởi vậy chúng được nhiều thực khách săn lùng.

Loại cá này theo tiếng Mông địa phương gọi là “chê canh” (theo giải thích của bà con, chê là cá, canh là cảnh, tức là cá cảnh), còn tên gọi phổ thông thì vẫn chưa có.

img

Cá chỉ sống được ở môi trường nước sạch, quanh năm mát lạnh. Thức ăn của chúng là rêu đá và côn trùng. Cá có màu đen nhạt rất đặc biệt, trên lưng có nốt chấm nhỏ trông như những cục đá suối. Vậy cho nên dù đứng gần cũng rất khó phát hiện nếu chúng không di chuyển.

img

Đặc biệt, loại cá này có khả năng dùng vây của chúng leo bám, di chuyển phía trên các hòn đá tảng tìm kiếm thức ăn hoặc trốn loài thú ăn thịt khác. Loài cá này đạt kích thước lớn nhất cũng chỉ bằng chuôi dao. Trọng lượng mỗi con cá chỉ từ 2 – 3 lạng. 

img

Người dân địa phương nơi đây kể lại, trước đây ở các khe suối loại cá này nhiều vô kể, chỉ cần ra suối dùng lưới hoặc cần câu ngôi bắt một lúc là được đến vài cân. Người dân thường bắt cá suối về cải thiện bữa ăn gia đình, thịt cá rất thơm ngon, sạch và bổ dưỡng, ăn hầu như không có xương.

img

Vài năm trở lại đây, nhu cầu đánh bắt ngày càng nhiều, một số người dân ở vùng khác dùng kích điện đánh bắt, khiến số lượng của cá ngày càng ít đi, trở nên hiếm, người nào may mắn mới bắt được chúng. Hơn nữa, sự phát triển cả các công trình nhà máy thủy điện vừa và nhỏ dọc con suối tác động không nhỏ đến môi trường sống, một trong những nguyên nhân làm giảm số lượng của loại cá này.

img

Để bảo vệ loại cá này, hiện bà con bản Nậm Lộng đã đưa vào danh sách các loài cần được bảo vệ, cấm không được đánh bắt bừa bãi, dùng kích điện, không được bắt đem bán…