Thời gian vừa qua, Bộ NNPTNT đã tích cực triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đã rà soát, cắt giảm nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa danh mục hàng hóa và thủ tục hành chính phải kiểm tra chuyên ngành.
Đặc biệt, với việc ban hành Quyết định số 3346/QĐ-BNN-TCCB ngày 23/8/2018 điều chỉnh phân công nhiệm vụ kiểm tra chuyên ngành đối với một số sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu trước thông quan tại, Bộ NNPTNT đã khẳng định quyết tâm cải cách hành chính nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, người dân.
Trước đó, vào thời điểm tháng 5/2018, Bộ NNPTNT đã rà soát, xác định một số nhóm hàng nhập khẩu đang chịu sự quản lý, kiểm tra của nhiều đơn vị khác nhau thuộc Bộ. Một trong những chồng chéo nổi cộm là chồng chéo giữa kiểm dịch và kiểm tra chất lượng đối với thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản có nguồn gốc động, thực vật nhập khẩu.
Việc kiểm tra chuyên ngành của Bộ NNPTNT sẽ giao về cho từng đầu mối. Ảnh: VGP.
Xuất phát từ bản chất của hoạt động kiểm dịch là hoạt động cần thiết để tạo hàng rào kỹ thuật trong quan hệ thương mại với các nước, nhằm bảo vệ an toàn nền sản xuất nông, lâm nghiệp trong nước, bảo vệ môi trường sinh thái cũng như sức khỏe của người dân, Bộ NNPTNT đã quyết định giao một đầu mối thống nhất kiểm tra nhà nước là cơ quan kiểm dịch.
Theo đó, Cục Bảo vệ thực vật sẽ thực hiện đồng thời kiểm dịch và kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản có nguồn gốc thực vật nhập khẩu trước thông quan; Cục Thú y sẽ thực hiện đồng thời kiểm dịch và kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản có nguồn gốc động vật nhập khẩu trước thông quan theo quy định pháp luật.
Như vậy, đối với thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản nhập khẩu, nếu như trước đây, để được cấp giấy xác nhận chất lượng và giấy chứng nhận kiểm dịch, doanh nghiệp phải thực hiện cùng lúc nhiều thủ tục hành chính tại các cơ quan khác nhau thuộc Bộ NNPTNT, thì với việc triển khai Quyết định số 3346/Đ-BNN-TCCB, doanh nghiệp nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản sẽ chỉ phải đăng ký và khai báo một lần để thực hiện một thủ tục hành chính tại một đơn vị thuộc Bộ NNPTNT. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp giảm thời gian, chi phí thực hiện thủ tục hành chính.
Theo ông Ngô Hồng Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, đến nay, mặc dù các đơn vị thuộc Bộ NNPTNT đã rất tích cực triển khai, tuy nhiên, đây là việc làm mới, nên cần thận trọng, triển khai từng bước, làm đến đâu chắc đến đó, đảm bảo hiệu quả, thông suốt, không gây cản trở, ách tắc tại bất kỳ khâu nào trong quá trình doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính, đảm bảo việc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, đầy đủ các chỉ tiêu, yêu cầu cần thiết về chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm dịch, môi trường.
Ngay trong tháng 10/2018, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ hoàn thành việc sửa đổi các Thông tư Thông tư số 25/2016//TT-BNNPTNT ngày 30/06/2016, Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/06/2016, Thông tư số 30/2017/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2018, Thông tư số 20/2017/TT-BNNPTNT ngày 10/11/2017 sửa đổi, bổ sung, đơn giản hóa quy trình thực hiện thủ tục hành chính, quy định thống nhất đầu mối quản lý, kiểm tra.
Đồng thời, các đơn vị thuộc Bộ sẽ rà soát, xác định, phân loại, phân công trách nhiệm quản lý, kiểm tra của từng đơn vị đối với từng loại thức ăn chăn nuôi, thủy sản để thông báo tới các doanh nghiệp biết và thực hiện. Cùng với đó, các đơn vị sẽ triển khai xây dựng, cập nhật, sửa đổi, bổ sung quy trình nghiệp vụ thủ tục hành chính kết nối với Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Cục Bảo vệ thực vật, Cục Thú y, Cục Chăn nuôi, Tổng cục Thủy sản sẽ thực hiện các nhiệm vụ theo điều chỉnh phân công tại Quyết định số 3346/QĐ-BNN-TCCB kể từ ngày các Thông tư sửa đổi các Thông tư trên có hiệu lực thi hành.
Bên cạnh việc quyết liệt triển khai thống nhất một đầu mối kiểm tra chuyên ngành, Bộ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu, chuyển phương thức kiểm tra từ kiểm tra trước thông quan sang kiểm tra sau thông quan, áp dụng quản lý rủi ro, chỉ kiểm tra tại cửa khẩu đối với các mặt hàng tác động đến an toàn xã hội, an ninh quốc gia, phải kiểm dịch hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.
Đối với các mặt hàng khác, việc kiểm tra về chất lượng, hợp chuẩn, hợp quy chuyển sang hậu kiểm hoặc dựa trên đánh giá mức độ tuân thủ doanh nghiệp, thực hiện công nhận lẫn nhau.