Thay đổi cách sử dụng thuốc BVTV
Thống kê của Bộ NNPTNT cho thấy, chỉ riêng ở khu vực ĐBSCL, hàng năm nông dân sử dụng hàng nghìn tấn thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), với 56 hoạt chất. Trung bình mỗi vụ, nông dân sử dụng 5,71 lít thuốc BVTV cho 1ha. Qua nghiên cứu của Viện BVTV cho thấy, lượng thuốc còn bám lại trên vỏ bao bì trung bình chiếm tới 1,85% tỷ trọng bao bì.
Trong khi đó, hiện có hơn 70% nông dân khu vực ĐBSCL không có nơi bảo quản thuốc và dụng cụ phun thuốc chuyên dùng an toàn. Còn trên 50% số nông dân thiếu hiểu biết cần thiết về thuốc BVTV, không có phương tiện bảo hộ lao động.
Một mô hình trồng hoa trên bờ ruộng theo hướng "công nghệ sinh thái". Ảnh: I.T
Theo đánh giá của Cục BVTV, chương trình đạt được kết quả trên nhiều mặt, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư. Tại các mô hình triển khai, nguồn lợi thủy sản được tái tạo khá rõ nét, cá đồng, ếch nhái, chim cò xuất hiện ngày càng nhiều là dấu hiệu cho thấy môi trường đang cải thiện tốt, từ đó bà con nông dân cũng tham gia chương trình chủ động và tích cực hơn. |
Người dân vẫn sử dụng các loại thuốc BVTV không thích hợp với chủng loại cây trồng và sâu bệnh, còn tồn tại các loại thuốc BVTV ngoài danh mục được phép lưu hành, thuốc cấm. Nghiêm trọng hơn, có trường hợp lạm dụng thuốc BVTV, nông dân sử dụng thuốc ngay trước khi thu hoạch...
Thực tế hiện nay, trên thế giới cũng như ở Việt Nam, các nhà khoa học đã nghiên cứu và đưa ra nhiều giải pháp theo hướng sinh học, vừa đảm bảo nhu cầu sản xuất nông nghiệp vừa không làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, an toàn cho nông sản và cho cả người sử dụng.
Ngoài các giải pháp về sự thay đổi độc tính trong thuốc BVTV, sử dụng các hoạt chất gốc sinh học thay thế hóa chất vô cơ độc tính cao, thì các giải pháp về đa dạng sinh học cũng đang chứng minh được hiệu quả và là xu hướng của nông nghiệp bền vững.
“Đa dạng sinh học, đưa đến cân bằng hệ sinh thái, các loại thiên địch ở chung với sâu hại tương tác lẫn nhau, các loại thiên địch đó có thể khống chế được các sâu hại, và không thể gây hại được cho cây trồng, hướng tới là không phải dùng thuốc trừ sâu hại” - PGS - TS Nguyễn Văn Huỳnh - nguyên giảng viên khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng Trường Đại học Cần Thơ, cho biết.
Tại ĐBSCL, chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” do Cục BVTV phối hợp các đơn vị liên quan đã được thực hiện ở 22 tỉnh thành, trong đó có nội dung áp dụng chương trình “công nghệ sinh thái” đã phát huy hiệu quả cao. Ngoài việc được hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV an toàn, người dân còn trồng hoa trên bờ ruộng, bờ vườn để dẫn dụ thiên địch, kiểm soát các loại sâu hại trên đồng ruộng, thiết lập hệ sinh thái đồng ruộng, giảm đáng kể việc xử lý nông dược, giảm chi phí đầu tư và nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập.
Tác dụng nhiều mặt
Đánh giá về mô hình “công nghệ sinh thái” này, ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Ban tuyên giáo Đảng ủy xã Hiếu Nhơn, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Đây là một chương trình giúp cho địa phương thực hiện tốt tiêu chí bảo vệ môi trường trong việc xây dựng nông thôn mới. Chương trình đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước ở nông thôn, nâng cao chất lượng nông sản làm ra và tăng giá trị thu nhập cho người nông dân”.
Ông Đặng Mạnh Khương - Thư ký chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường”, thông tin: Chương trình đã thành lập 10 câu lạc bộ với 100 thành viên là những nông dân chuyên phun xịt thuốc thuê trong 5 vùng trồng lúa khá lớn là huyện Vĩnh Hưng (Long An), huyện Tân Hồng (Đồng Tháp), các huyện Vĩnh Bình và Thoại Sơn (An Giang), Hồng Dân (Bạc Liêu).
Những nông dân này được hướng dẫn cách sử dụng nông dược an toàn, hiệu quả, được trang bị đầy đủ các dụng cụ bảo hộ lao động. Chương trình còn khám sức khỏe định kỳ cho nông dân của 10 câu lạc bộ trên nên bà con rất phấn khởi.
Qua 5 năm triển khai giai đoạn I (2012 - 2017), chương trình đã hình thành 167 mô hình sản xuất tiêu biểu tại 22 tỉnh thành trên các cây trồng chủ lực như lúa, măng tây, thanh long, bưởi da xanh, xoài, vú sữa, nhãn, mãng cầu, khoai lang, hành tím…, tổng diện tích hơn 8.451ha, với 7.686 hộ tham gia. Thành lập 3 vùng chuyên thu gom bao bì rác thải thuốc BVTV sau sử dụng tại ĐBSCL; liên kết với 5 HTX nông nghiệp ở Long An, Đồng Tháp và An Giang xây dựng hố chứa, thu gom vỏ chai, bao bì thuốc BVTV.