Tuy nhiên, cách thức làm như thế nào để có thể thực hiện được trong điều kiện thực tế ngành lúa gạo hiện nay là vấn đề còn phải bàn rất nhiều.
Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Phong nói: “Thực chất thời gian qua các doanh nghiệp (DN) thành viên VFA không muốn thu mua tạm trữ lúa gạo dù được hưởng lãi suất, nhưng đây đã là “lệnh” thì DN phải làm. DN chỉ thích mua bán theo nhu cầu thị trường. Bởi nhiều lúc họ cũng lỗ “chỏng vó”, nhưng lúc nào cũng bị mang tiếng là mua rẻ bán đắt, độc quyền”.
Về câu hỏi, điểm quan trọng nhất của việc thu mua tạm trữ là nhằm kéo giá lúa gạo trong nước lên và đảm bảo nông dân có lãi 30% nhưng qua nhiều vụ, gần nhất là đợt tạm trữ vụ hè thu vừa kết thúc, nông dân chỉ lãi 10 – 15%, nhiều hộ còn lỗ, ông Trương Thanh Phong giải thích: “Đúng là trong đợt tạm trữ vụ hè thu vừa rồi nông dân không lãi được 30% do giá cả xuất khẩu không tốt, nhưng nếu tính chung cả năm thì nông dân vẫn lãi trên 30%. Bởi thế trong Dự thảo xây dựng Quy chế tạm trữ lúa gạo hỗ trợ trực tiếp cho nông dân mà Bộ NNPTNT đang lấy ý kiến, chúng tôi có góp ý là nên ghi rõ lãi 30%/vụ hay 30%/năm? Tuy nhiên, theo ý kiến của riêng cá nhân tôi, thì việc quy định lãi 30% này đã lạc hậu”.
Theo ông, điều quan trọng nhất là làm sao để nông dân hưởng lợi được nhiều nhất, có thể sống khỏe hoặc làm giàu từ nghề. 30% nghe có vẻ lớn nhưng thực tế không lớn. Cả nước hiện có khoảng 1,5 triệu hộ trồng lúa nhưng 86% trong số này có diện tích canh tác chỉ từ 0,3 đến dưới 1ha/hộ. Như vậy dù có lãi 100% họ vẫn không thể giàu được, thậm chí là vẫn chưa thoát nghèo, vì thu nhập cả năm của những hộ trồng lúa này chưa tới 10 triệu đồng. Tính ra từng tháng chưa tới 1 triệu đồng cho 1 hộ có tới 3 – 4 miệng ăn trở lên.
Đó là chưa nói chúng ta đã hội nhập nước ngoài, gia nhập WTO nên nếu không khéo việc quy định mức lãi 30% này sẽ là cái cớ để nước ngoài nói nền kinh tế chúng ta là phi thị trường. “Tôi cho rằng cần phải tính toán lại chứ như Dự thảo này (hỗ trợ trực tiếp cho nông dân tạm trữ lúa gạo) bắt nông dân xây kho chứa 10 tấn lúa thì tiền đâu họ xây? Xây được họa chăng chỉ có nhà giàu. Như thế quy chế này chỉ đem lợi lại cho số ít người giàu, chứ đại đa số nông dân không được hưởng gì cả”- ông Phong nói.
Ngọc Minh