Dân Việt

Cần phân chia đồng đều hơn chuỗi giá trị hạt điều thế giới

Nguyên Vỹ 06/10/2018 15:43 GMT+7
Đây là quan điểm chung được các nước sản xuất và chế biến điều thống nhất phải cùng xắn tay giải quyết tại Hội nghị điều quốc tế lần thứ 10 năm 2018 tổ chức tại Quảng Ninh, ngày 6.10.

Đối với các doanh nghiệp điều trong nước, thị trường xuất khẩu điều thô từ châu Phi được đánh giá chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro từ thực thi hợp đồng thương mại đến chất lượng hàng nhập khẩu.

img

Những khúc mắc quanh hợp đồng thương mại và chất lượng hạt điều cần được sớm tháo gỡ. Ảnh: Nguyên Vỹ

Thế nhưng ông Tola Fasseru, Chủ tịch Hiệp hội Điều quốc gia Nigeria lại cho rằng đất nước này tự tin với sản lượng và chất lượng điều của mình. Trong số tổng sản lượng hạt thô hơn 220.000 tấn hạt mỗi năm đã có hơn 180.000 tấn là đưa sang Việt Nam.

Nigeria đánh giá các giao dịch thương mại hiện nay chưa phản ánh hết được nỗ lực trong nước. Các yếu tố được phản ánh không tốt từ phía doanh nghiệp Nigeria trong thực thi hợp đồng là không đầy đủ. Giữa Nigeria và Việt Nam cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác.

“Nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam không thực hiện đúng các điều khoản hợp đồng, không thanh toán hoặc chậm mua hàng. Hai nước cần xắn tay giải quyết rốt ráo các khúc mắc lâu nay vì lợi ích 2 bên cũng như cả chuỗi cung ứng thế giới”, ông Tola đề nghị.

img

Vấn đề của ngành điều đang thiếu tương quan giữa đầu vào và đầu ra. Ảnh: Nguyên Vỹ

Đến từ Ấn Độ, Tiến sĩ R.K. Bhooder chỉ ra vấn đề của ngành điều là đang thiếu tương quan giữa đầu vào và đầu ra, cần xử lý mối quan hệ giữa điều thô và điều nhân.

Cũng có các vấn đề khủng hoảng tài chính ở các nước chế biến, nguồn vốn bị hao mòn hoặc thiếu sự hỗ trợ. Gần đây, giá điều giảm, mức độ giao thương không bền. Các nước sản xuất thì trữ hàng, các nước nhập lại không thông quan. Hai bên lại phải giao dịch lại từ đầu. Rồi các vấn đề pháp lý, lừa đảo hay chất lượng không đảm bảo từ hàng nhập.

TS. Bhooder đề nghị cần phải thực hiện thống nhất theo chuẩn chung về thông quan để tránh xung đột, tranh chấp hợp đồng, hoặc có trọng tài quốc tế giải quyết.

img

Đại diện các quốc gia sản xuất, kinh doanh điều kêu gọi phân chia đồng đều hơn chuỗi giá trị hạt điều thế giới. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết Hội nghị điều quốc tế Việt Nam lần thứ 10 là cơ hội để những doanh nghiệp chế biến, xuất nhập khẩu điều trong nước và cộng đồng người mua, nhà nhập khẩu, phân phối, chiên rang, siêu thị điều trên toàn thế giới phân tích, đánh giá và định hướng phát triển cho ngành điều thế giới giai đoạn sắp tới.

Mục tiêu chung là tất cả các bên tham gia vào chuỗi giá trị điều toàn cầu cùng có lợi, đem lại sự ổn định, công bằng và hiệu quả về sản xuất - kinh doanh của tất cả doanh nghiệp.

Sau chu kỳ tăng trưởng dài giai đoạn 2011 – 2017, ngành điều toàn cầu đã có nhiều điều chỉnh. Cùng với những biến động của tình hình kinh tế thế giới, sản xuất kinh doanh điều gặp rất nhiều khó khăn.

img

Ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Vinacas đánh giá sản xuất, kinh doanh điều gặp rất nhiều khó khăn sau chu kỳ tăng trưởng dài. Ảnh: Nguyên Vỹ

 “Năm 2017 cũng đã ghi nhận một số khiếu nại liên quan đến việc mua bán điều nhưng đến nay Vinanas chưa nhận được bộ hồ sơ nào của các nước bạn. Vinacas sẵn lòng đồng hành cùng các nước giải quyết xung đột giữa các bên.

Mỹ là quốc gia hàng đầu tiêu thụ hạt điều nhân cũng đã đưa ra các cảnh báo về mối nguy an toàn thực phẩm. Các nước liên quan phải cùng bắt tay để đưa ra sản phẩm tốt nhất cũng. Các bên tham gia như cùng có trách nhiệm phân phối lợi nhuận hợp lý và tôn trọng nhau.

Thay vì tháng 10 hàng năm, Vinanas đề nghị các hội nghị điều quốc tế tiếp theo nên tổ chức thời kỳ đầu mùa của Việt Nam vào cuối tháng 3 đầu tháng 4. Thời điểm này các đối tác, khách hàng quốc tế sẽ nhìn nhận được cụ thể cây điều Việt Nam để có những phân tích, đánh giá tình hình cụ thể hơn. Từ đó đưa ra kế hoạch kinh doanh sản xuất tốt hơn vào niên vụ tiếp theo.