Nếu như có một xu hướng chống lại toàn cầu hóa thì bạn không thể biết được điều đó bằng cách nhìn vào nền kinh tế Việt Nam. Năm 2017, thương mại của Việt Nam bằng 200% quy mô GDP. Đây là mức cao nhất so với tất cả các nước có dân số trên 50 triệu người trở lên theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới từ năm 1960 đến nay. Tỉ lệ này cũng vượt xa đất nước đứng ở vị trí số 2 của Thái Lan với tỉ lệ 122%.
Chỉ số này được tính bằng cách lấy giá trị tăng thêm của xuất khẩu và nhập khẩu sau đó chia cho chỉ số đó của GDP. Các nước và khu vực có chỉ số này cao thường là những nước giàu và nhỏ. Hong Kong, Singapore và Luxembourg có chỉ số thương mại/GDP lên tới hơn 300%. Các công ty ở những nước này sản xuất sản phẩm cho xuất khẩu bởi vì thị trường nội địa quá nhỏ để tiêu thụ tất cả các sản phẩm của họ. Nhưng Việt Nam là một nước lớn hơn và nghèo hơn nên trở thành ngoại lệ.
Nền kinh tế toàn cầu hóa đặc biệt của Việt Nam là kết quả của việc tập trung vào xuất khẩu để tăng trưởng. Giống như Trung Quốc trước đó, Việt Nam đã mở cửa với thị trường lao động giá rẻ cho các nhà đầu tư nước ngoài và trở thành một trung tâm sản xuất chi phí thấp. Đất nước này bây giờ là một nhà xuất khẩu quần áo và điện tử lớn với Hoa Kỳ và Trung Quốc là thị trường chính. Để sản xuất các sản phẩm đó, Việt Nam là một nhà nhập khẩu lớn các linh kiện máy móc và tài nguyên thiên nhiên từ Hàn Quốc và Trung Quốc.
Toàn cầu hóa đã trở nên tốt cho Việt Nam. GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng từ 1500 USD những năm 1990 lên khoảng 6500 USD ngày nay (chỗ này có lẽ có những khác biệt so với số liệu của Việt Nam. Số liệu Việt Nam về GDP bình quân đầu người năm 1991 là 188 USD và năm 2016 là 2050 USD - chú thích của tác giả). Không giống như ở một vài nền kinh tế phát triển nhanh, sự thịnh vượng mới ở Việt Nam đã được chia sẻ. Tỉ lệ người nghèo bần cùng đã giảm từ trên 70% đầu thập niên 1990 xuống khoảng 10% năm 2016. Ngân hàng Thế giới công nhận các việc làm được tạo ra từ lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam đã góp phần vào sự thu hẹp đáng kể này.
Đóng góp của thương mại vào GDP đang tăng ở Việt Nam nhưng thế giới thì không.
Người Việt Nam đã nhận thức được lợi ích của toàn cầu hóa. Như bạn thời đại học của tôi là Matt Phillips đã chỉ ra, 95% người Việt Nam nói “thương mại là tốt” năm 2014 trong điều tra xã hội học của hãng Pew.
Mặc dù toàn cầu hóa đã cơ bản mang lại lợi ích cho Việt Nam nhưng có một nền kinh tế hội nhập toàn cầu như vậy cũng có những rủi ro. Nếu Mỹ hoặc Trung Quốc lựa chọn đóng cửa nền kinh tế của họ, Việt Nam sẽ ở vào một tình cảnh nguy hiểm. Các nước có mức độ kinh tế tương tự Việt Nam như Nigeria và Philippines cách ly với biến động kinh tế từ các siêu cường toàn cầu bởi vì họ tập trung vào thị trường nội địa.
Cũng có những hạn chế cho người Việt Nam trong việc toàn cầu hóa. Một dự thảo luật gần đây của Chính phủ Việt Nam cho phép nhà đầu tư nước ngoài thuê đất 99 năm trong các đặc khu kinh tế đã gây ra những cuộc biểu tình lớn. Người biểu tình Việt Nam lo sợ các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ trở nên quá quyền lực trong đất nước.