Chàng sinh viên “nhà văn”
Nguyễn Trần Thiên Lộc (con trai đầu của vợ chồng nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng- nhà văn Trần Thị Huyền Trang) tập tành viết văn từ năm 13 tuổi, đã có tác phẩm in đều đặn trên báo chí. Năm 2007, tập sách kể chuyện đồng thoại đầu tay của Lộc “Lắng nghe muông thú” được ấn hành.
Bận học, bận đi thực tế các đình chùa miếu mạo để tìm về những văn bản, thư tịch cổ (Lộc là sinh viên Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh), bận tổ chức hoạt động ngoại khóa về sáng tác… nhưng Lộc vẫn viết đều và góp mặt trong các tập sách “Cà phê văn khoa”, “Truyện ngắn 1.200 chữ” (NXB Trẻ 2010), cùng nhiều truyện ngắn và tản văn trên báo chí trong Nam ngoài Bắc.
Năm 2012, tác phẩm “Kèng kẹc học chữ” của chàng sinh viên này đoạt giải Ba (không có giải nhất, nhì) Cuộc thi “Thiên nhiên, môi trường, khuyến đọc, bình đẳng giới và các nghề thủ công truyền thống” do Room to Read phát động; ra mắt tập truyện đồng thoại “Những cuộc phiêu lưu của Mũi Đỏ và Răng Nhỏ”...
Cây bút trẻ Nguyễn Trần Thiên Lộc |
Chuyện đồng thoại của Thiên Lộc có lối kể khá tự nhiên, đôi khi có những câu hát “bịa” rất hợp lý: “… con cáo không còn nghe tôi nữa. Nó đã bị kích động thực sự. Nó bắt đầu nhảy múa quanh phòng và hát nho nhỏ: Không còn những cái bẫy/Không còn khẩu súng săn/Không còn thiếu thức ăn/Không còn lo bị đói…” (truyện ngắn “Một khu bảo tồn thì sao nhỉ?”).
Hay anh viết: “Chợt mỗi buổi trưa nào cuối hạ, người ta thấy bác Giun đất dừng cày xới, mấy thằng Se Sẻ ngừng đánh nhau, bọn Ve Sầu thôi ra rả. Tất cả đều lặng đi để nghe lũ học trò của thầy Cóc Cọt lại nghêu ngao dưới bụi chuối già: Thầy đồ Cóc dạy các con/Đi học về phải chăm ngoan nghe lời/Không được la cà rong chơi/Nếu không thầy sẽ cầm roi đánh đòn…” (truyện ngắn “Thầy Cóc Cọt lên trời”)…
Thế giới chuyện đồng thoại của Nguyễn Trần Thiên Lộc như những cuốn phim sống động, huyền diệu của tâm hồn thơ ấu…
Sống trọn trẻ thơ
Trong sáng tác, Nguyễn Trần Thiên Lộc thường nói đến những phản ứng nghiêm khắc trong cuộc ứng xử giữa con người với thiên nhiên, với thực trạng mà chúng ta gọi là mặt trái của dòng chảy đô thị hóa, tốc độ toàn cầu hóa. Điều quan trọng, anh bắt đầu tỏ ra chuyên nghiệp khi dồn hẳn tâm sức cho những câu chuyện đồng thoại, một mảng khá “trắng” trong sáng tác văn học thiếu nhi hiện nay.
3 tập sách của Thiên Lộc |
Nhà văn Trần Nhã Thụy nhận xét: “Có lẽ "duyên văn" bén sớm như vậy là nhờ "gien chữ" thừa hưởng từ ba mẹ là nhà văn, nhà thơ có tiếng tăm. Tuy sinh ra và lớn lên ở phố biển Quy Nhơn, nhưng trang viết của Thiên Lộc lại mở vùng trí tưởng về núi rừng, với thế giới của cọp, cáo, khỉ..., thậm chí có cả... hồ ly tinh. Giọng văn trong trẻo, câu chữ nhẹ nhàng hàm súc, cuốn sách không chỉ là những câu chuyện tưởng tượng mà còn là những cuộc đối thoại giữa trẻ em với muông thú, giữa trẻ em và người lớn”.
Nhà văn Phong Điệp nhìn nhận: “Với khả năng tưởng tượng phong phú, văn phong linh hoạt, cách kể chuyện hấp dẫn, Nguyễn Trần Thiên Lộc đã chứng tỏ năng khiếu văn học của một cây bút trẻ”. Còn nhà văn Nguyễn Khắc Trường nói: “Tác giả có lối viết chặt chẽ, bất ngờ, sắc sảo. Đây sẽ là cây bút có triển vọng trong tương lai”…
Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng nói về con mình:
“Xem ra, tôi vẫn chưa rõ lắm thiên hướng con trai mình. Qua những câu chuyện không dông dài, Thiên Lộc thích tán dương cái văn minh của hoang dã và phẫn nộ cái hoang dã của văn minh!
Nghề văn không phải cứ cố là được, dường như ngoài quyền lực của nội tâm, nó còn hàm ẩn ít nhiều cơ vận của đất trời. Chỉ ngại cháu còn quá non trẻ, con đường mà cháu muốn chọn sóng gió dằng dặc. Văn chương phụ thuộc vào bản lĩnh và số phận từng người…”.
Niềm mê sáng tạo của Thiên Lộc thật cảm tính nhưng không kém phần chủ động, thích thì ngồi gõ phím, gõ trong sự hứng khởi, gõ đến khi nào thấy… hết muốn gõ thì thôi! Lộc cho hay, anh chẳng thấy áp lực gì khi bố mẹ là nhà văn
: “Con đường nào cũng chông gai, nối nghiệp cha mẹ hay không còn do duyên, giờ tôi chỉ biết cố gắng làm trọn điều mình muốn”. Tôi vui vì Thiên Lộc rất khác thế hệ cha anh, tự tin điều mình làm, làm hết mình, ít đắn đo những chuyện “lùm xùm”…
Nhiều người mong Nguyễn Trần Thiên Lộc chớ “ngủ quên trên chiến thắng”, tiếp tục “lắng nghe muông thú” để thêm tác phẩm hay ở lãnh địa văn chương thiếu nhi...
Đào Đức Tuấn