Bây giờ tết sắp đến, họ lại hóng! Cái trò quà tết là bao nhiêu. Cả năm chúng tôi lo sống thì lăn lóc cả năm chứ. Đây chú xem, tôi đã ngoài 70, ngần này tuổi đã bỏ được cái cày đâu, vẫn sớm tối trên đồng, trong khi mấy anh cán bộ, sĩ quan tuổi cỡ em út hoặc con tôi về hưu thì nằm khểnh xem TV, chơi cầu lông hoặc phóng xe máy đi ăn nhậu bù khú suốt. Nông dân chúng tôi mà ỷ lại à, ngồi đó có mà bốc trấu mà ăn… Ngày ngày đi làm mà vẫn lo đói, lúc nào cũng lo, tôi ỷ vào ai?
Ngẫm có lý lắm. Người dân suốt đời úp mặt xuống đất kiếm sống. Làm ra mớ rau, hạt thóc, đồng tiền tiêu dùng đều trông vào đó. Ngày việc tối mặt, đêm về còn nhẩm tính việc ngày mai làm gì. Chẳng ai được lên việc sẵn như anh công chức. Ngày ốm mệt nằm nhà cũng phải nghĩ việc. Đi trạm xá xã thì mua từng viên thuốc, làm gì có sổ bảo hiểm và chỗ nằm viện. Cái gì cũng nai lưng ra đóng góp. Rõ ràng nói nhân dân có thói quen ỷ lại nhà nước là hàm hồ, rất đáng trách.
Sự ỷ lại nằm ở đâu?
Ỷ lại là thói ngồi chờ thỏa mãn đòi hỏi của mình mới chịu làm việc thì chỉ có anh công chức. Có nơi quản anh ta, trả lương và có luật bảo đảm để anh ta dù yếu kém cũng không bị đuổi việc hoặc sa thải. Biên chế nhà nước chính là cái cửa tạo ra ỷ lại. Vào qua cửa ấy rồi thì cơm chúa múa tối ngày, việc không xong mai lại múa tiếp. Câu thành ngữ mới toanh “nhà mặt phố/bố làm to” phản ánh cái thế làm cho con người ta ỷ lại.
Một cậu làm công ty nước ngoài lương vài chục triệu than phiền: Có lẽ xin vào nhà nước thôi, làm công ty chỉ có xong việc chứ không có chuyện hết giờ, nhọc lắm. Thôi làm nhà nước ít lương hơn nhưng thời gian xông xênh.
Nói tóm lại, xã hội này ai là người có thể ỷ lại, ai là người không thể ỷ lại, câu chuyện đã rõ, chẳng cần phải bàn nhiều!
Đỗ Đức