Dân Việt

Làng nghề rộn ràng đón tết

04/02/2013 13:52 GMT+7
(Dân Việt) - Với nhiều nông dân, nghề phụ làm dịp tết tuy mang tính thời vụ nhưng cũng phải học hành và làm nghề bài bản. Vì làm nghề, giữ nghề tốt nên thu nhập "phụ" còn cao hơn nghề "chính" là làm nông.

Làng ông Táo mong đỏ lửa

"Làng ông Táo" hay còn gọi là làng Lư Cấm, phường Ngọc Hiệp, TP.Nha Trang (Khánh Hòa) nổi tiếng với các sản phẩm bếp đất. Thông thường vào những ngày giáp tết, đặc biệt ngày 23 tháng Chạp hàng năm là ngày ông Táo lên trời, người dân trong “làng ông Táo” cũng nhộn nhịp lên vì sản phẩm bán chạy nhất vào những ngày này.

img
Anh Nguyễn Hiếu - thợ làm hoa sen đang hối hả làm hàng những ngày cuối cùng của năm.

Dọc hai bên đường làng Lư Cấm, nhà nào cũng đang đỏ lửa. Ông Lê Văn Sương - người làm nghề lâu năm cho biết, giá bán hiện tại 1 bếp là 30.000 đồng/cái tăng 3.000 - 4.000 đồng/cái. Nguyên liệu làm ra chủ yếu bằng đất, sau đó được người dân đem về nhào trộn cho vào khuôn làm ra sản phẩm phơi khô và phủ một lớp rơm khô hoặc củi để nung. Ông cho biết thêm là "mấy anh em tôi ngày thường đi làm ăn ở khắp nơi. Tết mới tập trung về làm nghề này". Ước tính mỗi tuần anh em anh Sương nung được gần 2.000 cái bếp, thu nhập đủ "ấm" quanh năm.

Được biết, làng ông Táo đã trải qua hàng trăm năm hưng thịnh, nhưng giờ đã tàn dần. Trong làng còn duy trì được 5 hộ là hộ ông Đặng Văn Hiệu, Lê Văn Chương, Lê Văn Triết, Hồ Nhỏ và Lê Văn Sương. Trước đây, làng còn làm niêu, chén, bát, nồi… giờ chỉ còn làm mỗi bếp vì không ai sử dụng bát, nồi bằng đất nung nữa. Cũng may là nhu cầu bếp đất còn khá nhiều nên những thợ làng như anh Sương đang tính học thêm nhiều kỹ thuật mới để chuyển hướng chuyên sản xuất bếp.

"Ông Táo đất" ngày Tết

Trong cái không khí nhộn nhịp của những ngày cuối năm, chúng tôi tìm đến xưởng làm "ông Táo đất" của cụ Nguyễn Thị Lan (93 tuổi, sống tại làng gốm Thanh Hà). Khi chúng tôi đến, cũng là lúc những "ông Táo đất" vừa được dỡ khỏi khuôn, được sắp xếp ngay ngắn trên sân để phơi, đâu đó còn thoang thoảng mùi thơm của đất sét.

Ở tuổi 93, cụ Lan vẫn cần mẫn nện đất ép khuôn thuần thục làm nên những "ông Táo". "Tôi gắn bó với nghề mấy chục năm nay. Tôi thành lập xưởng này vì tiếc nhớ hoài hình ảnh nhũng tết xưa, ông bà hay cúng "ông Táo đất". Rất may, phong tục đó đến giờ vẫn còn. Nhà khá giả hay bần hàn, hễ bếp đỏ lửa, đến 23 tháng Chạp, nhà nào cũng làm lễ đưa ông Táo về trời. Mâm lễ ở đâu không biết, chứ ở Quảng Nam đều có tượng 3 "ông Táo đất".

Tại xưởng, những kỹ năng từ việc chọn đất, đánh đất, nhào nặn, ép khuôn để thành hình một "ông Táo" đều, đẹp… được cụ Lan truyền dạy tỉ mỉ cho con cháu. Theo cụ Lan, những "ông Táo đất" nhìn thì đơn giản nhưng để nhồi được khối đất vừa vặn trong khuôn, rồi ép vào khuôn để đất đủ chặt, không bị gãy vỡ là cả một sự kỳ công. Chị Trần Thị Hồng (40 tuổi, cháu của bà Lan) chia sẻ. "Đầu tiên, đất phải được nhồi kỹ thành từng khối nhỏ bằng nắm tay, rồi được nện chặt vào khuôn. Khéo léo gạt phần đất thừa bằng một dụng cụ hình cái cưa, sau đó dỡ tượng khỏi khuôn xếp ngay ngắn lên một viên ngói rồi mang ra sân phơi trước khi đưa vào lò gốm".

Chị Hồng nói thêm: "Xưởng làm "ông Táo đất" này là xưởng duy nhất trong làng Thanh Hà. Trung bình mỗi tết, xưởng cung cấp cho thị trường Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng khoảng 30.000 "ông Táo đất". Năm nào, hàng làm ra cũng bán hết.

Rực rỡ hoa giấy Thanh Tiên

Thời điểm này, người dân làng Thanh Tiên (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Thừa Thiên -Huế ) đang hối hả cho những công đoạn cuối cùng của quá trình làm hoa, để kịp giao cho khách theo đơn đặt hàng. Ngoài hoa giấy chủ đạo, hoa sen giấy của làng Thanh Tiên đang từng bước khẳng định thương hiệu, chiếm lĩnh thị trường gần xa.

Với việc sức tiêu thụ dịp tết gia tăng thì đây chính là cơ hội của hàng ngàn làng nghề truyền thống trên cả nước. Người dân làng nghề theo đó cũng kiếm được bộn tiền, và rủng rỉnh đón tết.

Anh Nguyễn Hiếu- một thợ làm hoa chuyên nghiệp trong làng cho biết: "Tết năm nay, hoa sen "bất tử" của làng tôi được nhiều nơi tìm đến. Hoa sen giấy được bán 10.000 đồng/cái nhưng đến thời điểm này thì không dám nhận thêm vì đã làm hết công suất".

Theo anh Hiếu, nghề làm hoa giấy cũng đơn giản, chỉ cần đức tính cần mẫn, chịu khó ngồi lâu một chỗ là được nên phù hợp với nhiều đối tượng của dân làng từ bà ông già, trẻ nhỏ, thanh niên, phụ nữ… đều làm được. Thế nên, nhiều học sinh, sinh viên cũng tranh thủ những ngày nghỉ để phụ giúp gia đình kiếm thêm thu nhập nhằm cải thiện chất lượng ba ngày tết thêm phần sung túc.

Còn tại nhà rường của họa sĩ Thân Văn Huy ở làng thì nhộn nhịp người vào ra, khách trong nước có, khách quốc tế cũng nhiều, họ đến thăm để tìm hiểu cội nguồn của nghề làm hoa giấy và… chụp ảnh lưu xuân. Ông Huy cho biết, làng có khoảng 20 người làm hoa sen giấy chuyên nghiệp, còn lực lượng không chuyên thì nhiều lắm! Nhiều gia đình làm tới 1.000 cặp. Kết hoa không kịp cho nhà buôn đến lấy. Chưa bao giờ không khí lao động của làng lại hối hả như vậy.