Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và hai đại biểu Nguyễn Doãn Anh, Trần Thị Phương Hoa tại buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: Định Mức.
Tại buổi tiếp xúc cử tri, sau khi nghe các ý kiến đóng góp của các cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu.
Tổng Bí thư cho rằng, vấn đề đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, ở kỳ tiếp xúc cử tri nào người dân cũng quan tâm. Các vị cử tri đã biểu dương vì thời gian vừa qua các cơ quan chức năng có nhiều cố gắng, đạt kết quả tích cực, nhưng cũng nêu lên vẫn có hạn chế, khuyết điểm và nêu những mong muốn, đề xuất.
Theo Tổng Bí thư, liên quan đến vấn đề này hiện có dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua sau 3 kỳ họp. Trong dự án Luật có hai vấn đề nổi lên là việc kê khai tài sản, kiểm soát và xử lý tài sản không giải trình được.
Tổng Bí thư cho hay, nói về kê khai tài sản, công khai, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có trách nhiệm phải kê khai là vấn đề khó, vì thiên biến vạn hoá, nhiều biến tướng. Cái khó nữa là liên qua đến các Luật khác về quyền cá nhân, quyền công dân về bí mật tài sản, không phải cái gì cũng công bố là tài sản ông này có cái gì, chúng ta phải xử lý các mối quan hệ hài hòa.
Nhắc lại vấn đề cử tri nêu, các vụ án có bị chậm xử lý không, Tổng Bí thư cho hay vừa qua đã khắc phục rất nhiều vấn đề này. Ông lấy ví dụ như vụ Đinh la Thăng, Trịnh Xuân Thanh xử sớm hơn so với yêu cầu.
“Các bác bảo chưa nghiêm nhưng xử lý phải căn cứ vào quy định, đến mức nào thì xử hành chính, mức nào thì hình sự … Phải cho người sai phạm tâm phục khẩu phục. Chúng ta rất nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn, xử lý không phải cốt thật nặng mới là nghiêm, mà để răn đe, ngăn ngừa để không xảy ra mới là tốt. Chống cũng là để xây, mục đích của chúng ta là xây cho tốt để đỡ phải chống”, Tổng Bí thư nói.
Tổng Bí thư thông tin thêm, tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XII vừa qua, Đảng cũng xử lý hai vị nguyên uỷ viên Trung ương, đó là ông Trần văn Minh và ông Nguyễn Bắc Son. Trường hợp ông Minh đang bị xử lý hình sự. Trường hợp ông Nguyễn Bắc Son nguyên Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông bị kỷ luật về Đảng, còn phải xem xét kỷ luật hành chính phải tương xứng với kỷ luật Đảng.
“Như vụ ông Đinh La Thăng bị kỷ luật Đảng, sau đó điều chuyển về làm Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, các bác bảo nhẹ, nhưng sau đó kỷ luật về hành chính, rồi cũng xử lý hình sự, ông Thăng bị 30 năm tù là nặng hay nhẹ?”, Tổng Bí thư nêu ví dụ.
Vẫn theo Tổng Bí thư, việc thu hồi tài sản tham nhũng trước đây là khâu yếu, nhiều lần họp Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, ông đã nêu vấn đề này, hiện đã khắc phục được hạn chế đó.