Dân Việt

Ngộ độc thực phẩm tại trường học: Con ăn ở trường, cha mẹ... run!

Diệu Linh 09/10/2018 06:00 GMT+7
Chỉ trong 3 ngày (3-5.10) đã xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm tại trường tiểu học khiến 500 trẻ phải nhập viện trong tình trạng buồn nôn, sốt nhẹ, đau bụng, đi ngoài. Thực trạng này khiến rất nhiều phụ huynh - những người có con học bán trú, ăn trưa và chiều tại trường - hết sức lo lắng cho sự an toàn và sức khỏe của con em mình.

Náo loạn vì hàng trăm trẻ nhập viện

Chiều 5.10, hơn 350 học sinh Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, TP.Ninh Bình (Ninh Bình) có triệu chứng buồn nôn, nôn, sốt, có em bị tiêu chảy, do ngộ độc thực phẩm. Việc cùng lúc hàng trăm trẻ nhập viện đã gây lo lắng, hoang mang cao độ cho phụ huynh. Ngay sau khi nhận được thông tin, Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế đã cử đoàn công tác do TS Cao Văn Trung - Phó trưởng Phòng giám sát ngộ độc thực phẩm và Thông tin truyền Thông làm trưởng đoàn vào Ninh Bình hỗ trợ điều tra nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm.

img

  Học sinh nằm la liệt tại bệnh viện sau vụ ngộ độc thực phẩm tại Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP.Ninh Bình).  Ảnh: T.K

" Phải có sự minh bạch trong đảm bảo an toàn thực phẩm, nhất là với các trường có học sinh đã từng bị ngộ độc. Nhà trường cần phải chọn lựa thực phẩm sạch, an toàn và những nhân viên nhà bếp phải đảm bảo không chế biến thức ăn bị ôi thiu, bẩn, mất an toàn”.

Anh Phi Long
(ở Thanh Xuân, Hà Nội)

Qua điều tra và tìm hiểu bữa ăn nguyên nhân, được biết bữa ăn trưa 5.10 do bếp ăn tự nấu của nhà trường thực hiện, có hơn 900 học sinh của trường ăn bữa trưa bán trú với các món tôm chiên, ruốc gà, canh xương gà nấu với cà chua. Sau bữa ăn, các học sinh bắt đầu có dấu hiệu buồn nôn, chóng mặt, nôn mửa, đến khoảng 15 giờ 30 chiều cùng ngày hơn 100 em học sinh đã phải nhập viện. Sau đó, số học sinh nhập viện tiếp tục tăng, đến cuối giờ chiều là 352 em.

Ngay sau khi vụ ngộ độc xảy ra, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Ninh Bình đã lấy mẫu thực phẩm gửi xét nghiệm, tạm thời đình chỉ hoạt động bếp ăn của nhà trường. Theo thông tin ban đầu, nghi vấn ruốc thịt gà do nhà trường tự chế biến bị nhiễm khuẩn.

Trước đó, sáng 3.10, tại Trường Tiểu học Bán trú Xín Cái (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) cũng đã có hơn 170 em học sinh bị đau bụng, buồn nôn, đi ngoài... và phải đưa đi bệnh viện sau khi ăn bữa sáng do nhà trường tổ chức. Bữa ăn sáng gồm có xôi và thịt băm. Theo ông Nguyễn Như Chưởng - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hà Giang: “Ngành chức năng đã lấy mẫu bệnh phẩm về xét nghiệm nhằm làm rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy, có khả năng nguyên nhân gây ngộ độc là do thịt lợn làm thịt băm hoặc ruốc bị nhiễm khuẩn do để ôi thiu”.

Đến chiều 8.10, ở cả hai trường nói trên, các học sinh bị ngộ độc đã ra viện, tiếp tục được theo dõi sức khỏe ở nhà.

Chị Đ.T.L ở phố Đội Cấn, Ba Đình (Hà Nội) cho biết: “Nhà tôi có 3 cháu thì cả 3 đều học bán trú. Hai cháu học mầm non và 1 cháu lớn học tiểu học. Khi đọc thấy thông tin vụ ngộ độc tại trường học ở Ninh Bình, thực sự tôi rất lo lắng, không hiểu nhà trường làm ăn kiểu gì để xảy ra tình trang đó. Ngay sau đó, tôi có gọi cho phía trường con tôi đang theo học để hỏi xem nhà trường có nhập nguyên liệu sạch và chế biến đảm bảo hay không”.

Khó kiểm soát “đầu vào”

Tình trạng ngộ độc xảy ra tại bếp ăn tập thể trong đó có bếp ăn ở các trường học đang là mối lo ngại của cơ quan chức năng. Theo TS Cao Văn Trung, số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại trường học chỉ chiếm khoảng 3,7% tổng số các vụ ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, ở các vụ ngộ tại trường học, số trẻ bị mắc khá đông, hơn nữa các em còn nhỏ, sức đề kháng yếu, nếu bị ngộ độc sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe nên đã gây lo lắng, bức xúc cho nhiều người.

Theo ông Trung, ngộ độc thực phẩm tập thể tại trường học xảy ra ở hầu hết các tháng trong năm, nhiều nhất ghi nhận vào tháng 3 và tháng 10. “Vào tháng 3, tháng 10 điều kiện thời tiết, khí hậu nóng ẩm vào mùa xuân, mùa hè tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật phát triển, do vậy nguy cơ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể cao hơn so với thời điểm khác trong năm”- ông Trung cho biết.

Ngoài yếu tố “thời tiết”, nguyên nhân để xảy ra ngộ độc trong trường học thường là do khó kiểm soát thực phẩm “đầu vào” tại các trường học; các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn không ngừng gia tăng, nhiều cơ sở quy mô nhỏ, điều kiện cơ sở rất thủ công, khó kiểm soát yêu cầu về ATTP (phương tiện, dụng cụ chế biến, bảo quản, thời gian vận chuyển...). Bên cạnh đó, các cấp chính quyền địa phương, ban giám hiệu tại các trường học chưa sâu sát quan tâm vấn đề ATTP, không nắm rõ hoạt động bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn trên địa bàn.

Trước đó, tại một số trường tiểu học, phụ huynh và người  dân đã từng phát hiện và ngăn chặn nhiều thực phẩm bẩn, thối được đưa vào trường học để nấu cho học sinh ăn. Cụ thể như ngày 12.9.2017, một số phụ huynh đứng đón con ở cổng Trường Tiểu học Lý Nhân (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) thì phát hiện một chiếc xe ba gác chở rau, quả, thức ăn vào trong trường để phục vụ bữa ăn trưa cho các học sinh học bán trú tại đây.

Trước đó, ngày 14.1.2016, một số lượng rau, củ quả và thực phẩm không có nguồn gốc của Công ty Trung Thành đã bị lực lượng chức năng thu giữ tại Trường tiểu học Phú Thượng quận Tây Hồ, Hà Nội. Theo điều tra, các nhân viên của công ty này thường mua gom rau, củ quả tại chợ đầu mối rau Vân Nội (Đông Anh) về sơ chế và “phù phép” tại ngay sân của công ty để thành rau quả an toàn rồi cung cấp cho các trường học.

Như vậy, chỉ cần lơi lỏng công tác kiểm soát là trẻ em có thể bị ăn phải thức ăn bẩn, ôi thịu, kém chất lượng.

Khó kiểm soát thực phẩm “đầu vào” tại bếp ăn tập thể cũng là mối lo lắng của các chuyên gia y tế, an toàn thực phẩm, đặc biệt là đối với những trường học, công ty ký hợp đồng cung cấp thức ăn với bên thứ 3. Nguyên nhân là do cơ sở cung ứng ở xa bếp ăn tập thể, khó kiểm soát được thực phẩm đầu vào, thời gian vận chuyển thức ăn từ nơi nấu đến nơi sử dụng dài, nếu phương tiện vận chuyển không bảo đảm cũng có thể ảnh hưởng tới chất lượng thực phẩm, thậm chí gây hư hỏng…

Theo một hiệu trưởng trường tiểu học tại Hà Nội, dù đã ký hợp đồng cung cấp thực phẩm với các công ty nhưng nhà trường không thể “phó mặc” mà thường xuyên phải kiểm soát thực phẩm hàng ngày. Bếp trưởng sẽ kiểm tra xem thực phẩm có tươi sống, sạch sẽ hơn mới nhận. Nhà trường cũng phối hợp với Ban phụ huynh để cùng kiểm tra thực phẩm hàng ngày hoặc đột xuất. “Thực phẩm cho các con cần phải được kiểm tra mỗi ngày, nhân viên nấu ăn phải thường xuyên được nhắc nhở, cập nhật kiến thức phòng chống ngộ độc thực phẩm, nếu lơi là sẽ rất có khả năng xảy ra ngộ độc tập thể” – vị hiệu trưởng này cho biết.

Ông Trần Văn Châu – Trưởng phòng Công tác thanh tra (Cục ATTP): Gọi cho thanh tra nếu có nghi ngờ

Điều 15, Nghị định 115/2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP có hiệu lực từ 20.10, quy định bếp ăn tập thể, cơ sở chế biến suất ăn sẵn… sẽ bị phạt từ 1 triệu đồng đến 15 triệu đồng nếu có các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm. Những trường học có hàng ngàn học sinh, mỗi ngày cung cấp vài ngàn suất ăn trưa (chưa tính bữa phụ) thì dễ xảy ra ngộ độc thực phẩm kể cả cấp tính và mạn tính (trường hợp thực phẩm tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật). Do đó, chúng tôi đang tiếp nhận thông tin 24/24 giờ hàng ngày tại các đường dây nóng số 0243.2321556 và 0911811556. Phụ huynh có thông tin thực phẩm bẩn hãy gọi cho chúng tôi. Cục sẽ thanh tra đột xuất ngay và có thể sẽ đến trực tiếp tại trường để kiểm tra mà không thông qua địa phương.

Bà P.H - hiệu trưởng trường tiểu học tại TP.Thanh Hóa: Kiểm tra hàng ngày, loại bỏ thực phẩm “lạ”

Có tới 85 - 90% học sinh trong trường được cha mẹ cho ở lại ăn trưa tại trường, vì vậy chúng tôi luôn cố gắng để đảm bảo bữa ăn ngon, dinh dưỡng và sạch cho các con. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố cũng kiểm tra hàng năm, trong đó có cả định kỳ và đột xuất. Ngoài việc chế biến thực phẩm, yêu cầu quan trọng nhất trong việc đảm bảo ATTP là đảm bảo nguyên liệu đầu vào. Chúng tôi thường mỗi buổi sáng đều có các nhân viên đi kiểm tra toàn bộ nguyên liệu nhập từ cơ sở thực phẩm được kiểm định bởi các cơ quan quản lý. Nguyên liệu phải đảm bảo tươi, ngon không hư thối. Chỉ cần có biểu hiện lạ thì chắc chắn nguyên liệu đó sẽ không được sử dụng để tránh những rủi ro có thể xảy ra. Nhân viên nấu ăn cũng phải có bằng trung cấp để đảm bảo có kiến thức phòng chống ngộ độc thực phẩm cho các em học sinh.

P.V (ghi)