Tổng thống Nga Putin.
Năm nay là lần thứ 19 Ấn Độ và Nga tiến hành cuộc gặp cấp cao song phương thường niên. Vì thế mà tổng thống Nga Vladimir Putin có chuyến thăm Ấn Độ hai ngày. Khuôn khổ diễn đàn này được hai nước thành lập năm 2000 và phản ánh mức độ tốt đẹp và tin cậy trong mối quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Trước đây, Ấn Độ và Liên Xô đã có mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống. Về sau, nước Nga tiếp tục phát triển mối quan hệ song phương với Ấn Độ trở thành mối quan hệ đối tác chiến lược. Ông Putin thăm Ấn Độ lần này trong bối cảnh tình hình thuận lợi bao nhiêu trong quan hệ giữa hai nước thì lại phức tạp và nhạy cảm bấy nhiêu về nhiều phương diện bấy nhiêu trong môi trường chính trị đối ngoại và an ninh của từng nước. Nga hiện khúc mắc nhiều trong quan hệ với Mỹ thì Ấn Độ và Mỹ hiện lại có thời kỳ quan hệ tốt đẹp rất hiếm thấy trong lịch sử xưa nay. Nga và Trung Quốc có được mối quan hệ đối tác chiến lược hiện ở mức độ mà hai nước đều cho là chưa khi nào từ trước đến nay được hơn thế thì giữa Trung Quốc và Ấn Độ lại tồn tại dai dẳng bất hoà và xung khắc lợi ích, nghi ngờ và đối phó lẫn nhau.
Cục diện quan hệ ấy khiến ông Putin và thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi không thể tránh khỏi những khó xử. Họ có cùng quan điểm và mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác song phương trên mọi lĩnh vực nhưng đồng thời cũng lại phải lưu ý để từng bên không bị khó xử thêm trong quan hệ riêng với đối tác và để hai đối tác bên ngoài kia không hiểu nhầm, nghĩ lệch về đối tác chiến lược của họ.
Nhân sự kiện này năm nay, Ấn Độ và Nga đã ký kết nhiều thoả thuận hợp tác song phương nhằm thúc đẩy trao đổi thương mại, phát triển đường sắt và xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Ấn Độ, hợp tác trên lĩnh vực công nghệ vũ trụ và năng lượng, trong đó cả việc Ấn Độ mua dầu lửa của Iran.
Nhưng có lẽ nổi bật và đáng chú ý hơn cả là thoả thuận trị giá 5,2 tỷ USD về Ấn Độ mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga. Thoả thuận này là kết quả nổi bật nhất của chuyến đi Ấn Độ lần này của ông Putin. Nó làm cho Ấn Độ và Nga hài lòng bao nhiêu thì lại khiến Mỹ và Trung Quốc phật ý bấy nhiêu. Hai bên ở trong cuộc thì vui mừng. Hai kẻ ở bên ngoài thì lại lo ngại.
Trung Quốc và Mỹ không thể không lo ngại khi thấy Nga và Ấn Độ thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác song phương không chỉ về kinh tế và thương mại thuần tuý mà còn cả và đặc biệt trên lĩnh vực quân sự, quốc phòng và an ninh. Họ không thể không lo ngại về khả năng Ấn Độ và Nga chơi con bài đối trọng với họ. Mỹ phải tính đến việc Nga tìm cách phân hoá Ấn Độ với Mỹ trong khi Trung Quốc không thể không nghĩ rằng Ấn Độ chủ ý phân rẽ Nga với Trung Quốc. Đối với Trung Quốc còn có chuyện Ấn Độ tăng cường vũ trang và tiềm lực quân sự, nâng cao thế và lực trên thực tế và về mọi phương diện để làm phá sản ý đồ chiến lược của Trung Quốc ở khu vực Nam Á. Mỹ không thích thú gì khi Ấn Độ vừa không mua vũ khí tương ứng của Mỹ vừa giúp Nga hoá giải những tác động của các biện pháp chính sách mà Mỹ và phương Tây đã áp dụng để trừng phạt Nga từ khá lâu nay.
Hai đối tác bên ngoài này còn hậm hực và khó xử ở một phương diện khác nữa. Trung Quốc cũng đặt mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga mà mới rồi bị Mỹ áp dụng những biện pháp trừng phạt trong khi Ấn Độ ký với Nga thoả thuận mua cùng lại vũ khí này thì không thấy Mỹ phản đối gì. Cho nên đặc biệt với thoả thuận này, Nga và Ấn Độ làm cho mối bất hoà và căng thẳng hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc thêm sâu sắc. Cùng với việc tiếp tục mua dầu lửa của Iran trong bối cảnh Mỹ trừng phạt Iran và sắp tới cấm vận Iran xuất khẩu dầu lửa, Ấn Độ thử thách mối quan hệ hợp tác với Mỹ khi thúc đẩy mạnh mẽ đến thế quan hệ hợp tác quân sự, quốc phòng và an ninh với Nga. Ấn Độ làm cho Mỹ khó xử hơn và Trung Quốc lo ngại hơn trong khi Nga làm Mỹ phải lo ngại hơn và Trung Quốc chỉ phần nào khó xử hơn.