Trong 6 tháng, cuộc đối đầu trên đất liền và trên biển giữa hai đối thủ chỉ gây ra thương vong không vượt quá con số 64.000 người của trận chiến Waterloo hay Gettysburg. Ở thời điểm mà Phương Tây vẫn nhìn khu vực Đông Á như một vùng xa xôi yên tĩnh, cuộc chiến đã không thu hút được nhiều sự chú ý từ các quốc gia lân cận.
Đường tấn công của quân Nhật.
Nhưng để hiểu được những chia rẽ về chính trị trong khu vực hiện nay, không gì tốt hơn bằng việc nhìn lại cuộc chiến Trung - Nhật lần thứ nhất kể trên giữa vương triều nhà Thanh đang trên đà xuống dốc với Đế quốc Nhật Bản mới nổi trong cuộc tranh giành vị thế thống lĩnh khu vực.
Chiến thắng của Nhật Bản đã không chỉ đánh dấu một bước ngoặt đối với trật tự chính trị tại Đông Á mà còn đặt nền tảng cho những xung đột sâu sắc vẫn tồn tại cho đến ngày nay tại khu vực. Đó là sự chia cắt hai miền Triều Tiên, vấn đề Đài Loan và tranh chấp chủ quyền ngày càng gay gắt giữa Bắc Kinh và Tokyo đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
Án ngữ tại trung tâm của khu vực Đông Bắc Á, các thành phố của Hàn Quốc ngày nay như Incheon hay Busan là những trung tâm vận tải và giao thương của khu vực và thế giới. Theo ghi chép của lịch sử, đó cũng là nguồn gốc của nhiều thảm kịch bởi các quân đội từ lục địa châu Á và quần đảo Nhật Bản muốn dùng bán đảo Triều Tiên như một cầu nối hoặc vùng đệm để thực hiện tham vọng của họ. Hai cuộc xâm lược của người Mông Cổ trong thế kỷ 13 và người Mãn Châu trong thế kỷ 17 đã biến Triều Tiên thành một chư hầu của Trung Quốc.
Bán đảo này luôn chịu ảnh hưởng lớn từ các nước láng giềng lớn hơn và trở thành quốc gia nằm trong vòng kiềm tỏa của nhà Minh. Trong thời gian này, Triều vua Joseon (Cao Tông) tại Triều Tiên đã đón nhận Đạo Khổng cùng triết lý cai trị của nó, cũng như tiếp thu nền văn hóa và triết học Trung Hoa. Nhà Thanh lên ngôi năm 1644 tiếp tục kế thừa ảnh hưởng truyền thống đó đối với Triều Tiên.
Cuối thế kỷ 19, với sự mục ruỗng từ trong và ngoài của nhà Thanh, Triều Tiên là viên ngọc sáng nhất còn sót lại trong vòng cung chư hầu mà Đại Mãn Thanh từng thiết lập. Trong khi lãnh thổ và vị thế chính trị mà nhà Thanh quản lý đang dần mất vào tay của các cường quốc phương Tây, Triều Tiên trở thành món mồi ngon đối với một thế lực mới nổi ở châu Á: Đế quốc Nhật Bản - quốc gia đã lột xác sau hai thập kỷ công nghiệp hóa và hiện đại hóa theo mô hình phương Tây.
Sau khi chế độ Mạc Phủ Tokugawa sụp đổ, Hoàng đế Minh Trị lên ngôi năm 1868 bắt đầu tiến hành những cải cách lịch sử có tính bước ngoặt, nhanh chóng biến Nhật Bản trở thành một cường quốc quân sự và công nghiệp.
Đến năm 1876, Nhật Bản áp đặt Hòa ước Giang Hoa lên Triều Tiên, ép triều đình Joseon mở cửa giao thương cho người Nhật (giống như điều Mỹ đã làm với Nhật Bản vào năm 1853) và tuyên bố từ bỏ việc triều cống Trung Quốc. Liên tiếp trong 20 năm sau đó, Nhật Bản và Trung Quốc nỗ lực giành giật ảnh hưởng tại Triều Tiên.
Bước ngoặt xảy đến năm 1893 khi nhà cách mạng Triều Tiên thân Nhật Kim Okkyun bị điệp viên của Viên Thế Khải ám sát tại Thượng Hải. Thi thể của ông đưa một tàu chiến Trung Quốc chuyển về Triều Tiên, tại đây, nó bị cắt ra thành nhiều mảnh và trưng ra như một lời cảnh báo đối với phe thân Nhật. Chính quyền Nhật Bản coi đây là một sự sỉ nhục trực tiếp.
Cơ hội rửa nhục đã đến một năm sau đó khi tại Triều Tiên nổ ra Phong trào nông dân Đông học làm chao đảo ngai vàng của triều đình vua Cao Tông.
Tình hình căng thẳng khi vua Triều Tiên Cao Tông đề nghị Nhà Thanh điều quân tới giúp đàn áp phong trào nông dân kể trên. Nhật Bản coi đây là một sự vi phạm Điều ước Thiên Tân ký kết trước đó với Nhà Thanh và ngay lập tức cử quân đội viễn chinh tới. Họ bắt giam vua Cao Tông, thay thế triều đình hiện tại bằng những thành viên thân Nhật - chính quyền mà Nhà Thanh đã từ chối công nhận. Triều đình mới tại Seoul mở đường cho việc Nhật đổ thêm quân vào Triều Tiên và cho phép quân Nhật đánh đuổi binh lính nhà Thanh.
Chiến tranh Nhật - Thanh lần thứ nhất (hay Chiến tranh Giáp Ngọ, theo cách gọi của Trung Quốc) chính thức nổ ra và kéo dài từ tháng 8.1894 tới tháng 4.1895. Chiến tranh nổ ra trong bối cảnh nhà Thanh bước vào thời kỳ suy thoái toàn diện và đã suy yếu tương đối sức mạnh sau khi thất bại trong các cuộc Chiến tranh Nha phiến (1840-1843 và 1856-1860) và Chiến tranh Pháp - Thanh (1884-1885) trước đó.
Về sức mạnh quân sự, đối đầu với quân đội đế quốc Nhật Bản là đội quân Bắc Dương được trang bị tốt và tượng trưng cho sức mạnh của quân Thanh hiện đại. Song tham nhũng là một vấn đề nhức nhối làm xói mòn nghiêm trọng sức mạnh của quân đội. Các quan lại nhà Thanh biển thủ công quỹ một cách có hệ thống ngay cả trong lúc xảy ra chiến tranh. Chia rẽ là một thách thức khác khi mà các đội quân như Hoài quân và An Huy quân, dù lớn mạnh hơn nhưng đã phớt lờ lời kêu gọi cứu viện từ Bắc Dương quân khi họ lâm nguy do sự thù địch mang tính địa phương. Trên mặt biển, trong những năm 1880, Hạm đội Bắc Dương là hạm đội thống trị Đông Á, được xếp thuộc hạng "hàng đầu Á Châu" và "lớn thứ 8 thế giới". Tuy vậy, các con tàu không được duy trì thích đáng và kỷ luật rất kém.
Trong khi đó, chính quyền Minh Trị đã có nhiều năm tập trung xây dựng Hải quân theo mô hình Hải quân Hoàng gia Anh hùng mạnh nhất thế giới thời bấy giờ. Còn Lục quân ban đầu đi theo mô hình của Lục quân Pháp, sau đó năm 1886 chuyển hướng sang lấy Lục quân Đức làm nền tảng phát triển. Cho đến những năm 1890, Nhật Bản đã có một quân đội kiểu phương Tây hiện đại, chuyên nghiệp, được trang bị và cung cấp tương đối tốt.