Ông Đặng Bá Dự - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh cho biết, là huyện mới được thành lập vào năm 2005, Phú Ninh có xuất phát điểm rất thấp về kinh tế - xã hội và cơ sở hạ tầng. Sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, công nghiệp, dịch vụ không có gì, thu nhập bình quân đầu người chỉ 3,2 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 23%...
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát (giữa) thăm ruộng dưa hấu ở Phú Ninh. |
Kể từ khi được chọn làm huyện điểm xây dựng NTM, Phú Ninh đã chú trọng việc hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung như: Lúa thương phẩm chất lượng cao, giống lúa hàng hóa, bắp, đậu phộng, rau quả và nhất là phát triển vùng dưa hấu, rau tập trung, chuyên canh theo tiêu chuẩn GAP…
Hiện nay, bình quân mỗi năm huyện sản xuất gần 1.000ha lúa giống hàng hóa, giá trị đạt 80 triệu đồng/ha; trên 600ha dưa hấu gắn với thương hiệu dưa hấu Kỳ Lý, giá trị đạt gần 100 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, nhiều cánh đồng mẫu, cánh đồng có thu nhập cao đã được hình thành, phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn dịch bệnh…
Ông Võ Thanh Anh - Chủ tịch UBND xã Tam Phước - 1 trong 11 xã điểm của T.Ư phấn khởi cho biết, trước đây Tam Phước là xã nghèo của tỉnh, cơ sở hạ tầng yếu kém, nhân dân chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, xã chưa đạt được một tiêu chí nào trong 19 tiêu chí quốc gia về NTM...
Song tới nay, Tam Phước đã khoác lên mình “chiếc áo mới” nhờ địa phương đã triển khai được nhiều phương án sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Trong những năm qua, xã đã xây dựng 25 phương án phát triển sản xuất đem lại hiệu quả cao. Ông Trần Ngọc Bằng - Phó phòng NNPTNT huyện Phú Ninh cho biết, thời gian qua, huyện đã giúp nhân dân tiếp cận khoa học kỹ thuật bằng nhiều hình thức, trong đó có việc giúp các xã tổ chức 55 lớp tập huấn quy trình kỹ thuật sản xuất cho cán bộ chủ chốt ở các thôn.
Đoàn Hồng