Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An vừa cấp cứu cho một bé trai bị chó Becgie tấn công. Bệnh nhi là bé N.Đ.V.H. (2 tuổi ở huyện Diễn Châu, Nghệ An) nhập viện trong tình trạng có nhiều vết thương ở mặt và mắt rất nguy hiểm.
Bé H. tại Bệnh viện Sản nhi Nghệ An
Theo lời kể của người nhà bệnh nhi, để giữ nhà, gia đình có nuôi 1 con chó Becgie. Hôm đó, H. đang chơi đùa, ăn bim bim, do con chó chạy theo đùa nghịch nên bé H. đưa tay đuổi thì bất ngờ bị con chó lao vào cào, cắn khiến H. bị thương ở cổ, mặt và mắt, mất máu rất nhiều.
Quá lo lắng, gia đình nhanh chóng đưa H. tới bệnh viện huyện để xử lý, cầm máu trước khi được chuyển lên Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An để thăm khám và điều trị.
BS Hoàng Thị Thúy Vân - Khoa Răng Hàm Mặt - Mắt, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, bé H. có rất nhiều vết thương ở vùng mặt, dưới cằm, má phải, cảnh mũi phải và đặc biệt là trên, dưới mắt. Để xử lý những chấn thương này rất phức tạp và nguy hiểm.
“Sau thăm khám, chúng tôi đã nhanh chóng hội chẩn và cắt lọc, rửa vết thương và phẫu thuật khâu tạo hình lại vết thương ở vùng đầu, mặt và mắt cho bé. Hiện tại, sau phẫu thuật, bé H. vẫn đang được tiếp tục theo dõi điều trị thêm tại khoa Răng hàm mặt – Mắt, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An”, BS Vân nói.
BS Vân cũng đưa ra khuyến cáo, để bảo vệ tính mạng cho bản thân và gia đình, tất cả chó mèo đều cần tiêm vắc xin phòng bệnh. Ngoài ra, những người có sở thích nuôi thú cưng nên hạn chế dẫn chó tới những nơi đông người hoặc rọ mõm trước khi đi để tránh nguy cơ thú nuôi tấn công người khác. Đặc biệt, không nên để các bé chơi đùa với những con thú hung dữ để tránh để trẻ bất ngờ bị tấn công, gây hậu quá đáng tiếc.
Trước đó, bé gái tròn 8 tháng tuổi nặng 10kg (Đội Cấn, Hà Nội) bị con chó ngao Tây Tạng nhà nuôi cắn và cũng đã tử vong do mất máu quá nhiều.
Vì thế, chuyên gia khuyến cáo gia đình nuôi chó phải rất cảnh giác với các tai nạn chó cắn – kể cả chó nhà, do mức độ tổn thương hết sức trầm trọng trong thời gian gần đây.
Trường hợp bị cắn vào chỗ hiểm, chảy máu nhiều qua vết thương thì nhiều khả năng bị tổn thương vào mạch máu lớn, khi đó cần dùng khăn bông dầy bịt và ép chặt vào vết thương để cầm máu tạm thời, rồi chuyển đến các bệnh viện lớn gần nhất để cầm máu và phẫu thuật cấp cứu – hoặc chuyển tuyến cao hơn; Không nên cố xử lý cầm máu tại nhà, sẽ dẫn đến sốc mất máu không hồi phục.
Khi đã bị lên cơn dại, bệnh nhân sẽ có biểu hiện bị kích thích, vật vã, sợ nước, sợ gió...; sau đó lên cơn khó thở,...