Dân Việt

Chuyên gia tiết lộ con số sốc về lạm phát nếu tăng thuế xăng dầu

Phương Linh 11/10/2018 14:25 GMT+7
Lạm phát năm 2019 có thể vượt xa mục tiêu 4% của Chính phủ trong đó có nguyên nhân không nhỏ từ việc tăng kịch trần thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu từ 1/1 năm sau.

Đây là một phần đáng chú ý của báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam vừa được VIện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) công bố.

Báo cáo chỉ ra, trong bối cảnh giá năng lượng thế giới liên tục hồi phục thời gian qua, việc áp kịch trần thuế bảo vệ môi trường từ năm sau sẽ tạo áp lực lớn lên lạm phát thời gian tới.

“Chúng tôi cho rằng lạm phát năm 2019 sẽ vượt xa mức mục tiêu 4% mà Chính phủ và Quốc hội đặt ra cho những năm gần đây”, đại diện VEPR nói.

Cơ quan này cũng khuyến nghị, thay vì đặt ra những mục tiêu chưa được tính toán kỹ, Chính phủ thời gian tới cần có những biện pháp mạnh để kiềm chế rủi ro lạm phát tăng cao.

img

VEPR lo lắng, lạm phát năm 2019 sẽ vượt xa mức mục tiêu 4% mà Chính phủ và Quốc hội đặt ra 

Bàn thêm về vấn đề trên, ông Phạm Thế Anh, chuyên gia kinh tế Trường đại học Kinh tế Quốc dân tỏ ra lo lắng về tình trạng “lạm phát toàn cầu” khi nền kinh tế Mỹ và các nước lớn đang hồi phục mạnh. Điều  này theo ông có thể tạo ra “vòng xoáy” lạm phát tại các nước đang phát triển.

Trong bối cảnh đó, ông chỉ ra, Việt Nam lại dùng công cụ thuế bảo vệ môi trường để “đánh” vào xăng, dầu tao nguồn thu ngân sách. Theo ông, nếu thuế đánh vào mặt hàng khác thì chỉ ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu thụ mặt hàng đó nhưng xăng, dầu thì khác. Đây là nguyên vật liệu sản xuất nên việc tăng thuế sẽ còn làm tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp và nhiều mặt hàng khác như: lương thực thực phẩm, chi phí đi lại,…

Ông khẳng định đây là biện pháp không hay và thậm chí là biện pháp “xấu nhất”. 

Ông dẫn con số được công bố trước đó của cơ quan chức năng cho thấy, việc tăng kịch trần thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu có thể chỉ tác động 0,07 - 0,09% tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2019. 

Tuy nhiên, theo ông, đây là con số không chính xác hoặc nếu có thì chỉ là tác động của vòng 1. Điều còn thiếu là những tác động gián tiếp sau đó.

“Thường tăng giá xăng, dầu sẽ tác động trễ tới lạm phát, tức là CPI sẽ tăng mạnh vào tháng thứ 2,3,4 sau khi áp thuế vào kéo dài hơn 1 năm sau đó,” vị này nói.

Từ đó, ông cho biết, theo tính toán của ông, việc tăng thuế sẽ làm lạm phát tăng 1,6 điểm phần trăm chứ không chỉ là 0,07-0,09.