Dân Việt

Sự lệch pha giữa bùng nổ dân số và hạ tầng đô thị ngày càng xa

Phương Thảo 11/10/2018 20:11 GMT+7
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân lo lắng khi cho rằng sự bùng nổ dân số ở TP.HCM đã khiến cho hạ tầng đô thị TP.HCM ngày càng không theo kịp, sự không đồng bộ ngày càng xa.

Tại hội thảo: “Quản lý Đô thị trên địa bàn TP.HCM – Thực trạng, vấn đề và giải pháp” do Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM và Hội đồng lý luận Trung ương tổ chức vào chiều 10.10, đại diện Sở Xây dựng nêu việc phát triển nhà ở ảnh hưởng đến công tác quản lý đô thị trên địa bàn thành phố. Những bất cập trong vấn đề phát triển, quản lý nhà ở ảnh hưởng lớn đến phát triển đô thị. Tỷ lệ phát triển nhà riêng lẻ chiếm tỷ lệ cao so với nhà chung cư (chung cư là 141.062 căn, chiếm hơn 8%).

Việc phát triển nhà ở hiện nay không đồng bộ với phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở khu vực… Tình trạng xây dựng nhà ở trái phép, không phép cũng gây khó khăn cho cơ quan quản lý, ảnh hưởng nghiêm trọng tới quản lý, phát triển đô thị.

Theo PGS, TS, KTS Lưu Đức Cường – Viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thi và Nông thôn Quốc gia, một trong những vấn đề nóng, tồn tại mà người dân bức xúc đó là vấn đề quản lý phát triển đô thị ứng với ngập lụt và biến đổi khí hậu tại TP.HCM.

img

Đô thị TP.HCM ngập sâu sau mỗi cơn mưa.

Tình trạng ngập lụt xuất hiện tại TP.HCM ngày càng trở nên nghiêm trọng trong những năm gần đây. Việc đô thị ngập úng là do thay đổi công dụng của đất và bề mặt bê tông hóa, suy giảm diện tích cây xanh, diện tích đất bề mặt, hệ thống thoát nước bị thu hẹp, không theo kịp tốc độ đô thị hóa, do ý thức người dân còn kém…

Tại hội thảo, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng thừa nhận sự bùng nổ dân số ở TP.HCM đã khiến cho hạ tầng đô thị TP.HCM ngày càng không theo kịp, sự không đồng bộ ngày càng xa.

Một trong những phương pháp giải quyết tình trạng dân số các tỉnh phụ cận kéo về TP.HCM, theo ông Nhân, chính là phối hợp, bắt tay với các địa phương, hỗ trợ, hợp tác để các địa phương cùng phát triển nhanh hơn, kinh tế tốt hơn, để họ “giữ” dân số ở lại, giảm thiểu dân số cho TP.HCM.

Phát triển thành phố về hướng nào cho phù hợp cần phải nghiên cứu kỹ, nghiêm túc để đảm bảo vấn đề quy hoạch đô thị phát triển một cách bền vững và xứng tầm là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa trong nước và khu vực.

img

Toàn cảnh hội nghị.

Đồng quan điểm với Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, KTS Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch  phát triển đô thị Việt Nam nêu quan điểm: “Việc phát triển TP.HCM cần gắn với phát triển vùng, cần phải quan tâm mở rộng không gian đô thị thành phố, bởi nó đã trở nên dồn nén, chật hẹp… không đủ điều kiện để phát triển một cách năng động, hiệu quả…”.

Dưới góc nhìn của một người trải qua kinh nghiệm thực tế, ông Mai Tuấn Kiệt, đại diện Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn lại cho rằng, cần đổi mới tư duy trong công tác quy hoạch và quản lý đô thị với nâng cao năng lực, trình độ, phẩm chất đội ngũ cán bộ tham mưu công tác quy hoạch, quản lý đô thị các cấp. Từ đó, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý và thực hiện theo quy hoạch. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ giữa xây dựng mới và chỉnh trang đô thị hiện hữu. Khai thác, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn cũng như nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các hoạt động đầu tư xây dựng…