Dân Việt

Nhà hát giao hưởng 1.500 tỷ: Còn đó những trăn trở

Minh Anh 12/10/2018 07:35 GMT+7
Xây dựng một nhà hát giao hưởng tầm cỡ thế giới là mong mỏi không chỉ của các nghệ sĩ dòng nhạc hàn lâm, nhưng việc thông qua chủ trương xây nhà hát tại Thủ Thiêm lại đang đặt ra nhiều câu hỏi, trăn trở.

imgimg

Phối cảnh Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch trị giá 1.508 tỷ đồng (ảnh minh họa)

Nghệ thuật đích thực xây trên nền tảng văn hóa, nhân văn

Việc HĐND TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư dự án xây dựng Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch (Nhà hát giao hưởng) tại Thủ Thiêm với tổng mức đầu tư hơn 1.508 tỉ đồng tại kỳ họp bất thường ngày 8.10 vừa qua đang nóng trên các diễn đàn với nhiều câu hỏi, không phải bởi số tiền đầu tư cho dự án mà bởi hai chữ “Thủ Thiêm” gắn với oan sai về việc thu hồi đất chưa được giải quyết dứt điểm.

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho rằng: “Sự tính toán thời điểm để thông qua chủ trương xây dựng Nhà hát buộc người ta nhất định phải đặt câu hỏi: Tại sao lại là lúc này mà không phải lúc nào khác? Ở đây tôi không bàn đến sự cần thiết và lợi ích của một Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch tại một thành phố như TP.HCM.

Tôi cũng không nói đến việc xây dựng và hoạt động của nó rồi sẽ như thế nào trong hoàn cảnh nước ta, mà tấm gương Nhà hát Trần Hữu Trang ở cùng thành phố đã cho thấy. Tôi chỉ muốn nêu câu hỏi quanh hai từ Nhà hát và Thủ Thiêm lúc này, ở đây. Hãy nhớ lời Nguyễn Trãi đã viết từ 600 năm trước: “Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc. Dám mong bệ hạ rủ lòng yêu thương và chăm sóc muôn dân, khiến cho thôn cùng xóm vắng không có một tiếng hờn giận oán sầu, đó tức là giữ được cái gốc của nhạc vậy”.

Xây mặt bằng dân trí trước, dựng thiết chế văn hóa tương ứng sau

Xây dựng một nhà hát giao hưởng tầm cỡ thế giới là mong mỏi không chỉ của các nghệ sĩ thuộc dòng nhạc hàn lâm. Nếu là nhà hát giao hưởng xây dựng ở Thủ đô Hà Nội, hay ở Trung tâm TP.HCM có lẽ vấn đề sẽ khác, nhưng xây nhà hát ở tận Thủ Thiêm là điều khiến giới văn nghệ sĩ và công chúng đặt nhiều câu hỏi. Đến như Nhà hát lớn Hà Nội với các chương trình của Nhà hát giao hưởng, Nhà hát nhạc vũ kịch, có phải ai làm nghề cũng có đủ điều kiện để tuần nào, tháng nào cũng mua vé đi xem được, chưa nói đến những chương trình hòa nhạc có các nghệ sĩ, nhạc trưởng nước ngoài sang biểu diễn.

Bên cạnh đó còn có phòng hòa nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia, rồi các rạp hát ở Thủ đô Hà Nội hay các nhà hát, phòng hòa nhạc ở TP.HCM cũng đâu phải lúc nào cũng cơ hội sáng đèn hàng đêm, vì nhiều lý do khác nhau.

img

Quang cảnh sân khấu chính đêm nhạc Vietnam Airlines Classic Concert. Ảnh: Giang Huy

Được biết, dự án xây Nhà hát giao hưởng TP.HCM đã có từ cách đây 20 năm nhưng không khả thi. Giờ đây, sau 20 năm, đất nước phát triển, TP. Hồ Chí Minh đã có những sự phát triển mạnh mẽ, song cũng còn đó những tồn tại, bất cập. Cơ sở hạ tầng của thành phố, nhất là hệ thống cấp thoát nước chưa tốt, khiến cho thành phố luôn trong tình trạng ngập úng, dân nhập cư đông hơn, tắc đường nhiều hơn...

Nhạc sĩ Trần Minh Phi cho rằng: “Về mặt kinh tế - xã hội, thành phố đang cần có thêm bệnh viện, trường học và hạ tầng cơ sở giao thông tốt hơn để chấm dứt nạn ngập lụt và kẹt xe. Về mặt nhân tâm, việc bà con Thủ Thiêm bị mất đất, mất nhà, đang sống trong đau khổ hàng chục năm qua chưa được giải quyết thoả đáng là vấn đề cấp bách cần làm hơn là xây dựng nhà hát.

Nhu cầu hưởng thụ nhạc hàn lâm của người dân thành phố hiện nay là rất ít và vô cùng nhỏ so với đại đa số. Các nhà hát hiện có như Nhà hát Thành phố, khán phòng Nhạc viện Thành phố đã đủ để phục vụ nhu cầu âm nhạc hàn lâm của một bộ phận nhỏ công chúng (nếu không muốn nói là dư thừa). Về mặt xây dựng thiết chế văn hoá cao là chưa cần thiết khi hạ tầng cơ sở còn nghèo nàn, trình độ dân trí để thưởng thức âm nhạc chưa cao. Vì thế cần phải xây dựng mặt bằng dân trí trước rồi mới tính đến việc xây dựng thiết chế văn hoá tương ứng”.

Mang âm nhạc đến gần hơn với công chúng

Với 63 tỉnh, thành phố và 54 dân tộc anh em sinh sống, mỗi vùng, miền đều có những nét văn hóa, âm nhạc đặc trưng mang đậm dấu ấn bản địa. Và với người dân Nam Bộ nói chung, TP.HCM nói riêng, nghệ thuật đờn ca tài tử, cải lương, vọng cổ, dân ca, nhạc vàng… là những gì gắn bó mật thiết trong đời sống của người dân từ khi khai hoang mở cõi. Số người thích nghe nhạc giao hưởng ở thành phố không phải là tất cả. Dân nhập cư thì nhiều thành phần, nên sự giao thoa âm nhạc cũng đa dạng, không dành riêng cho giao hưởng thính phòng. Vậy dự án xây dựng nhà hát giao hưởng liệu có đáp ứng nguyện vọng, mong mỏi của nhân dân?

Nghệ sĩ Đặng Ngọc Long - Hiệu trưởng Trường Âm nhạc Berlin - Gesundbrunnen ở CHLB Đức cho biết: "Ở Berlin, nhà chức trách của thành phố suốt ngày dọa bỏ nhà hát Opera vì phải bù lỗ nhiều quá. Song ngược lại, chính quyền thành phố lại tăng tiền khuyến khích cho dân đi học nhạc. Họ quan tâm và rất coi trọng trình độ nghe nhạc và dân trí. Còn hiện tại ở TP.HCM thì ngược lại?".

Nhạc sĩ Trần Anh Linh (Việt kiều Đức) cho rằng: “Ở Việt Nam, số lượng người thưởng thức và am hiểu thể loại nhạc bác học là rất ít... Và điều quan trọng nhất là dự án nhà hát lại xây dựng trên mảnh đất đang gây tranh cãi, bức xúc trong xã hội. Nên giải quyết bồi thường thỏa đáng cho những người ở Thủ Thiêm mới là điều đáng làm. Xây dựng một nhà hát mà không có người đến xem thì chỉ phục vụ một nhóm người có động cơ không trong sáng mà thôi!”.

Có nhiều ý kiến cho rằng phải đi trước thời đại, phải nhìn xa trông rộng, và xây dựng một nhà hát hiện đại, xứng tầm quốc tế là cần thiết. Việc xây Nhà hát Giao hưởng là việc nên làm, để đưa âm nhạc Việt Nam hội nhập rộng hơn vào dòng chảy âm nhạc thế giới, nhưng cần chọn thời điểm thích hợp.

Cũng nhiều người kỳ vọng nhà hát xây xong sẽ mang lại lợi nhuận về kinh tế trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ như: Nhà hát Opera Sydney (Nhà hát Con sò); Nhà hát Bolshoi của Nga… Nhưng liệu có quá mơ hồ với những suy nghĩ cứ xây nhà hát to, đẹp là có thể bán vé tham quan du lịch, nhất lại là ở một địa điểm xa trung tâm thành phố? Và cũng không ai mất tiền để xem cái nhà hát như “xác không hồn”. Bởi, muốn nhà hát có hồn nghĩa là nhà hát phải sáng đèn hàng đêm, phải là nơi diễn ra những sự kiện âm nhạc tầm cỡ thế giới, phải có dấu ấn về kiến trúc, văn hóa, nghệ thuật… 

Nhạc sĩ Trần Minh Phi khảng khái: “Văn hóa làm nên nhà hát chứ nhà hát không tạo nên văn hoá. Khi bạn đã có văn hóa cao thì không có nhà hát, văn hóa vẫn còn. Nhưng khi đã thiếu văn hóa thì có trăm cái nhà hát, bạn vẫn là người kém văn hóa! Tôi, với tư cách là hội viên Hội Âm nhạc Thành phố, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, kêu gọi các anh chị em và bạn bè cùng lên tiếng với HĐND và UBND TP.HCM tạm hoãn việc tiến hành xây dựng Nhà hát giao hưởng ở Thủ Thiêm”.

Nhìn ra thế giới, những nghệ sĩ giao hưởng thính phòng có thể chơi nhạc ở ga tầu điện, ở quảng trường, vườn hoa, công viên... Nơi nào tập trung đông người là họ có thể chơi nhạc, với mong muốn mang âm nhạc đến gần hơn với công chúng. Ở Việt Nam, khoảng 3 năm trở lại đây, nhất là từ khi có chương trình Luala Concert của nghệ sĩ Bùi Công Duy từ Nga trở về khởi xướng, thì cũng đã có nhiều chương trình lớn nhỏ của Nhà hát Giao hưởng Quốc gia, Nhà hát Nhạc vũ kịch, Dàn nhạc Học viện âm nhạc Quốc gia... được tổ chức biểu diễn ngoài trời phục vụ công chúng, mà gần đây nhất là chương trình Vietnam Airline Concert. Nói như vậy để thấy không phải cứ âm nhạc giao hưởng thính phòng hay nhạc kịch là chỉ diễn ở nhà hát đủ tiêu chuẩn.

Thiết nghĩ, trước khi mơ một ngày chúng ta có một nhà hát lộng lãy, hãy chuẩn bị tâm lý cho công chúng đủ tự tin đón nhận những thể loại âm nhạc bác học ở những không gian vừa phải, gần gũi, trước khi họ đủ tâm thế bước và nhà hát sang trọng để thưởng thức âm nhạc bác học ở một không gian xứng tầm.