Bạn đã bao giờ cất bước chân trên con đường gió bụi, vắt ngang qua mảnh đất Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa? Nơi ấy bạn thấy gì? Những bãi biển xanh rì rào tựa bên những đồi cát trùng điệp, ở nơi đó người dân vẫn ngày ngày ra khơi trên chiếc thuyền truyền thống, thẳng mái chèo rẽ sóng ra nghìn khơi, tận hưởng sự hào phóng của Mẹ Biển.
Thế nhưng, ngay chính trên con đường cái quan nhiều sỏi đá, nơi ánh nắng chói chang đã làm sạm đi nước da và làm sâu thêm ánh mắt, của người dân nơi đây - lẩn khuất trên những ngọn đồi, là những ngọn tháp màu nâu trầm mặc, là những tàn tích đền đài hoang phế. Ở đấy, người Chăm vẫn sống với một nguồn sống mạnh mẽ, với niềm tự hào mãnh liệt với tổ tiên, họ gửi mọi ước mơ, nguyện cầu và văn hóa vào những ngọn tháp nghìn năm sừng sững.
Trong tâm trí người Việt Nam, hai chữ Chăm Pa từ lâu đã gắn liền với quá khứ, của một thời vàng son xưa cũ đã chìm khuất lấp đằng sau lớp bụi mờ quá khứ. Nhắc đến hai chữ Chăm Pa là nhắc về những thớt voi đồ sộ, về đền ngà tháp ngọc với bóng người Chiêm nữ lả lướt trong tiếng nhạc hoan ca là Kinh đô; là thiên tình sử đi vào huyền thoại của Huyền Trân Công chúa với Chế Mân…
“Nước non ngàn dặm đi
Dù đường thiên lý xa vời
Dù tình cố lý chơi vơi
Cũng không dàibằng lòng thương mến người…”
Trong tâm khảm người Việt, nền văn minh Chăm Pa vừa gần mà cũng thực xa, cứ hòa quyện sánh vai nhau trong lịch sử. Lịch sử Việt và Chăm đã bắt đầu hoà quyện với nhau từ cuộc hôn nhân định mệnh thế kỉ 13, khi Hoàng đế Trần Nhân Tông đưa người con gái mình yêu quý là Huyền Trân Công chúa đi hoà thân với Quốc vương Chiêm Thành Chế Mân, để viết nên một trong những thiên tình sử đẹp nhất mà cũng thập phần bi thương.
Sau nhiều thế kỉ, lịch sử có lúc thăng, lúc trầm, có những sự giao hòa và cũng có những bi thương, lịch sử đã được sang trang và chìm vào quá khứ. Người Việt và người Chăm vẫn nắm chặt tay nhau trên mảnh đất hình chữ S, tim hòa nhịp đập, máu cùng quyện chảy để nhìn về tương lai.
Mấy trăm năm, qua bao cuộc bể dâu, người Chăm vẫn còn vẹn nguyên, dòng máu Chăm của họ vẫn cuồn cuộn chảy, và họ vẫn kiên cường sống trên mảnh đất này, trở thành một thành viên không thể tách rời của cộng đồng 54 dân tộc anh em trên mảnh đất hình chữ S. Họ vẫn chăm chút cho nền văn hóa truyền thống của mình, vẫn giữ được những nghề thủ công truyền thống, vẫn dệt vải, làm gốm và vẫn giữ nếp xưa hồn cũ quanh những tháp Chăm.
Người Chăm hiện tại là dân tộc đông dân thứ 16 trong quần thể cộng đồng các dân tộc đang chung sống trên đất Việt. Khu vực sinh sống của họ chia ra thành ba khu vực rất rõ rệt: người Chăm H'roi, người Chăm Ninh Thuận - Bình Thuận và cuối cùng là người Chăm Nam Bộ. Mỗi cộng đồng người Chăm tại một khu vực phân bố đều có nhiều nét khác biệt, đặc biệt giữa cộng đồng người Chăm Nam Bộ với người Chăm Ninh Thuận - Bình Thuận, sự khác biệt rõ rệt nhất ở đây chính là ở tôn giáo tín ngưỡng truyền thống. Nếu như cộng đồng người Chăm vùng đất Nam Bộ chủ yếu theo Hồi giáotruyền thống và có sự liên hệ chặt chẽ với những cộng đồng tín đồ Hồi giáo quốc tế, với những Thánh đường Hồi giáo (Mosque) đặc trưng - thì ngược lại, cộng đồng Chăm Ninh Thuận - Bình Thuận đã bản địa hóa tôn giáo của nhà tiên tri Mohammad, đưa vào đó những chất liệu văn hóa bản địa của cư dân nơi đây, tạo nên cộng đồng người Chăm Bà-la-ni với văn hóa vô cùng đặc trưng đến tạn ngày hôm nay.
Tuy nhiên, dù phân bố ở khu vực nào trong đất nước, thì người Chăm vẫn là một dân tộc hiền hòa, cần cù và không kém phần nghị lực, hàng ngày vẫn có hàng triệu người Chăm đang cùng nhau xây đắp nên khối đại đoàn kết, và đặt dấu gạch nối với nền văn hóa đặc sắc chung của dân tộc.
Một trong những thành tố đặc trưng mà bao thế hệ người Chăm vẫn ra sức gìn giữ chính là âm nhạc truyền thống của mình. Quả thật vậy, đối với bất kì nền văn minh, văn hóa của bất kì quốc gia, dân tộc nào, thì yếu tố văn hóa nói chung và yếu tố âm nhạc nói riêng luôn có một sức sống mãnh liệt, thể hiện được thuần nhất bản sắc đặc trưng nhất của quốc gia, dân tộc đó.
Âm nhạc truyền thống của người Chăm vẫn còn được bảo tồn trải qua hàng trăm năm dâu bể, vẫn giữ được những giai điệu huyền bí, đẹp tuyệt diệu dưới những bóng tháp ngà. Vẫn được cất lên mỗi mùa Lễ hội Katê, vẫn được cất cao hàng ngày trong những giờ làm gồm, dệt vải, trên chiếc võng ru nôi bà mẹ Chăm nuôi con lớn lên…
Người Chăm sử dụng nhiều loại nhạc cụ trong sinh hoạt văn hóa của cộng đồng và thường được xếp thành ba nhóm chính là bộ gõ, bộ hơi và bộ dây. Trong đó được sử dụng nhiều và phổ biến nhất là trống Gineng, trống Baranưng và kèn Saranai.
Trống Gineng có hình dạng giống như trống cơm của người Việt nhưng kích thước lớn hơn, thân trống làm bằng gỗ lim hay trắc dài khoảng 0,7 m, được bào trơn nhẵn cả trong lẫn ngoài. Hai mặt trống được căng da, mặt nhỏ thường được căng da dê hay da nai và đánh bằng tay không, mặt lớn được căng da trâu và đánh bằng dùi. Trống Gineng bao giờ cũng dùng đôi, diễn tấu trong tư thế ngồi với trạng thái tĩnh, hai chiếc đặt chéo nghiêng áp sát nhau trên mặt đất, do nghệ nhân dân gian sử dụng.
Với người Chăm, tiếng trống Gineng ngân lên, đó là âm hưởng linh thiêng, báo hiệu mùa lễ hội sắp đến và ai nấy cũng vui vẻ phấn khởi để hòa mình vào các lễ hội của cộng đồng. Để đánh được loại nhạc cụ này, học viên cần bái một nghệ nhân làm thầy với lễ vật bái sư gồm trứng, rượu, cau trầu. Sau khi bái sư, học viên sẽ được nghệ nhân dạy đánh từ âm cơ bản đến các điệu trống phức tạp. Muốn trở thành một nghệ nhân trống Gineng thành thục thì không hề dễ mà phải trải qua một quá trình tập luyện tích cực. Theo quan niệm người Chăm, những người có tâm hồn thanh thản, trong sáng thì đánh trống mới nghe rộn ràng, hùng hồn, còn những người có bụng dạ hẹp hòi, ích kỷ thì tiếng trống khó đi vào lòng người được.
Trống Baranưng vừa là nhạc cụ vừa là vật tổ linh thiêng của ông Maduen (thầy vỗ). Thân trống làm bằng gỗ đục rỗng có đường kính khoảng 0,4 mét, một mặt trống được căng bằng da dê hay da nai và được căng bằng hệ thống dây mây với mười hai con nêm bằng gỗ. Mười hai con nêm này là bộ phận tăng giảm âm theo tùy người sử dụng.
Khi sử dụng trống Baranưng nghệ nhân đặt trống trước ngực, vành trống tỳ vào đùi trái trong tư thế ngồi xếp bằng hai chân, cánh tay trái đặt lên vành trống vừa để giữ trống, vừa để vỗ, tay phải để tự do. Với thủ pháp rung ngón và đôi khi dùng cả bàn tay trái bịt mặt trống tạo thành âm thanh ngắt, tay phải vỗ vào mặt trống với thủ pháp vỗ trọn bàn để tạo âm thanh trầm, đánh nửa bàn tay tạo âm thanh bổng… Tùy theo điệu nhạc mà nghệ nhân phối hợp các thủ pháp trên một cách thích hợp để tạo sắc thái âm điệu trầm bổng khác nhau. Bananưng là loại nhạc cụ đơn giản nhưng sử dụng khó nhất, để đánh thành thạo loại trống này, người đánh trống phải trải qua thời gian dài theo học ở thầy vỗ trống Maduen.
Đặc biệt nhất trong hệ thống nhạc cụ Chăm là kèn Saranai. Đây là loại nhạc cụ có tên rất gần gũi với sarunai của người Ba Tư, surunai của người Mã Lai, nhưng Saranai của người Chăm có nét đặc trưng riêng. Kèn Saranai có ba phần gắn liền nhau gồm phần chuôi làm bằng đồng để gắn lưỡi gà bằng lá buông, phần thân làm bằng gỗ đục rỗng có bảy lỗ chính phía trên và một lỗ phụ phía dưới, và phần loa làm bằng gỗ quý, sừng trâu hay ngà voi đục rỗng ruột để khuếch đại âm thanh.
Người Chăm có nền âm nhạc phát triển từ rất sớm và gắn liền với đời sống và sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng trong cộng đồng. Thú vị hơn, người Chăm xem bộ nhạc cụ trống Gineng, kèn Saranai, trống Baranưng tượng trưng cho các bộ phận của cơ thể con người, trong đó trống Gineng tượng trưng cho đôi chân, Baranưng là thân thể, Saranai là phần đầu của con người. Do đó mỗi khi sử dụng phải có đủ bộ các loại nhạc cụ này.
Như vậy, ta có thể thấy những thanh âm dập dìu của âm nhạc truyền thống không thể nào thiếu được ba loại nhạc cụ chủ đạo nói trên. Dù là âm nhạc cổ truyền được truyền từ nghìn xưa lại hay là âm nhạc hiện đại, tất cả đều phảng phất nền tảng của ba loại nhạc cụ trên, để rồi, khi ở bất kì phương trời nao, nghe được tiếng trống Baranưng hay tiếng kèn Saranai phảng phất vào trong giai điệu, người Chăm lại bồi hồi xúc động trước những thanh âm bật nên từ hồn cốt dân tộc.
Âm nhạc của người Chăm đa dạng, phong phú, tự cổ chí kim luôn phản ánh cuộc sống và thế giới quan của họ, dù có đôi chút khác với những gì mà người Việt suy nghĩ, nhưng đều là những sự khác biệt đáng nâng niu và trân trọng, tạo nên sự tổng hòa văn hóa của một quốc gia đa sắc tộc.
Nhạc Chăm hiện đại có thể được chia ra thành nhiều mục đích: đó là những giai điệu nhạc ngày cưới rộn rã, vui tươi thắm đậm tình hạnh phúc, tiêu biểu là Thei Mai, Caik Tian, Chiếc nhẫn Mưta, Ngày cưới.
Nước trong nguồn, em hứng ngồi đợi anh
Uống đi anh, cho mát lòng nhé
Trái dưa ngọt em hái dành đợi anh
Với bao tình người ơi nói tình em.
Xin mời ăn này cho thắm ngọt bờ môi
Để trên đường tới lui sau này
Và còn vườn khoai ngoài sân
Nếu anh ưa thì luộc cho anh ăn.
(Làng Chăm quê em)
Đó có thể là những giai điệu tình tự yêu thương của đôi trai gái cùng nắm tay nhau dưới tháp Chăm nghìn tuổi của Lời nguyện cầu trên tháp, Giấc mơ Shiva, Tình ca đất Tháp, … Lại có thể là những bài ngợi ca quê hương đất nước dưới một cái nhìn “rất Chăm” - và đặc sắc hơn là những khúc hoan ca trong các dịp lễ hội như Katê, Tết Ramưwan. Tất cả đều có những hình ảnh vô cùng “đậm nét” Chăm: là sợi chỉ màu, là chiếc khăn thêu đặc trưng, là những vũ điệu dưới tháp ngà hay những lời nguyện cầu gửi đến các vị thần trong tâm thức người Chăm.
Tất cả những điều trên, dường như chỉ là một cái nhìn rất thoáng qua về nền âm nhạc Chăm. Âm nhạc của người Chăm, rất rõ ràng, không chỉ dành riêng cho người Chăm, mà sẽ dành cho bất kì ai trên mảnh đất hình chữ S, và lan rộng ra, cho bất kì ai yêu mến vỗ vai nhau, trìu mến gọi nhau bằng hai tiếng Đồng bào. Vì rõ ràng, tâm tư của người Chăm, hay của người Kinh, người Tày, người Thái, người Hoa… đều không khác gì nhau, đều là những tâm hồn thuần hậu, yêu nước, thương nòi, đoàn kết đùm bọc lẫn nhau, đều hướng thiện và có những ước mơ chung về đất nước hòa bình.
Thế nhưng, với tất cả vẻ đẹp và sự cuốn hút ấy, nhạc Chăm vẫn như một viên ngọc lặng thầm, bị khuất sau dòng chảy của âm nhạc hiện đại. Đó thực sự là một điều vô cùng đáng tiếc khi những giai điệu nhạc Chăm chưa thể được hoà mình vào dòng chảy chung của Vpop.
Làng nhạc Việt đang ngày càng phát triển và tiệm cận với khu vực và thế giới, đó là điều không thể phủ nhận được. Càng hiện đại bao nhiêu, thì việc tìm về những chất liệu sẵn có trong vốn văn hoá của đất nước lại càng cần thiết. Vì sao lại không - khi vốn văn hoá và âm nhạc cổ truyền của tất cả dân tộc là nguồn cảm hứng bất tận cho bất kì một nghệ sĩ nào?
Liệu một ngày không xa, âm nhạc Chăm sẽ lại bước ra ánh sáng chói loà? Đó là một câu hỏi lớn còn bỏ ngõ…