Dân Việt

“Đường hỏng do mưa” hay là sự trốn tránh trách nhiệm?

Thanh Hằng 13/10/2018 07:28 GMT+7
Một tuyến đường gần 35.000 tỷ đồng, mà chỉ một cơn mưa đầu mùa đã làm “tan vỡ” thành vô số ổ gà, thì thật không hiểu là để cho xe đi, hay để cho sự “lãng mạn viển vông” ngự trị?

Tuần qua, ông Nguyễn Tiến Thành - Giám đốc Ban quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi trở nên “hot” nhất mặt báo và cả “làng phây” khi giải thích nguyên nhân con đường cao tốc 35.000 tỷ vừa mới đưa vào sử dụng đã chi chít ổ gà là… “tại cơn mưa đầu mùa”!

img

Các vết bong tróc, ổ gà đoạn qua km45 Tam Kỳ - Đà Nẵng.

Chưa hết, ông Thành còn đưa ra khả năng là có thể mặt đường ổ gà do dầu diezel từ các phương tiện chảy tràn ra, rồi lưu lượng xe tăng! Toàn những lỗi khách quan, mà đều là lỗi giời ơi đất hỡi, chứ tuyệt không có nguyên nhân nào là do chất lượng thi công.

Bất kỳ ai cũng thấy những lý do ông Thành đưa ra là quá mức… kỳ dị! Trên mạng xã hội, nhiều người bình luận một cách hài hước là gần 35.000 tỷ đầu tư cho con đường thì tiếc gì mà không làm nốt mái che mưa che nắng hay bọc bánh ô tô bằng bông để đi cho khỏi hỏng!

Bởi dù không có chuyên môn, nhìn những ổ voi, ổ trâu trên đường cao tốc này, ai cũng có thể nói ngay rằng nguyên nhân là do chất lượng thi công kém. Nhưng ông Thành vẫn cố tình giải thích kiểu “bài bây”.

Bởi khi xây dựng tuyến cao tốc vài ngàn tỷ đồng, chả nhẽ các kỹ sư đã không tính toán được các yếu tố tác động đương nhiên phải có khi đưa vào sử dụng? Chả nhẽ thiết kế chỉ cho vui, khi điều bắt buộc là đường thì phải chịu tác động của mưa gió, lượng xe tăng cao? Nếu một tuyến đường không chịu được những tác động đó thì có cần ngốn đến số tiền gần 35.000 tỷ không? Không lẽ con đường cao tốc được xây dựng chỉ để làm cảnh?

Nói một cơn mưa đầu mùa, một chút dầu diezel có thể phá hỏng được con đường vài chục ngàn tỷ đồng vừa mới đưa vào sử dụng hơn một tháng, ông Thành quả đã hạ thấp trình độ thiết kế lẫn thi công và năng lực quản lý của ngành giao thông quá mức. Vì thế, câu hỏi đặt ra là những người thực hiện con đường này trình độ kém, hay chính ông Thành kém khi lý giải như vậy?

Câu giải thích đường hỏng do mưa và xe đi nhiều của ông Nguyễn Tiến Thành khiến tôi lại nhớ đến ông Bùi Xuân Cường - Giám đốc Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh, khi giải thích trước HĐND thành phố về nguyên nhân đường xuống cấp trên địa bàn là “không có xe lưu thông cũng nhanh hỏng”. Hai ông quả thật đạt độ hài hước “nhất quả đất” khi đi tìm nguyên nhân đường kém chất lượng.

Hai câu trả lời cực kỳ mâu thuẫn này đã cho thấy, nhiều xe chạy hay ít xe chạy đều là nguyên cớ làm cho đường hỏng, là cái cớ của những người chịu trách nhiệm nhưng không dám nhận trách nhiệm. Khi đưa ra cách lý giải đó là họ bất chấp cả mặt khoa học lẫn đạo đức người làm nghề. Phải chăng, chính con người hỏng mới là nguyên nhân của đường hỏng?

img

Công nhân vá víu, sửa chữa tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Đưa lại 2 câu nói này của 2 người có trách nhiệm trong ngành giao thông, để thấy điểm chung của họ là muốn làm quan nhưng lại sợ trách nhiệm. Lẽ ra nếu tự trọng, họ phải nhận trách nhiệm và xin lỗi người dân khi ăn lương từ thuế dân nuôi, mà vẫn để xảy ra những tuyến đường chất lượng kém, đặc biệt là không xứng với số tiền vé người dân phải bỏ ra. Đặc biệt, trên tuyến cao tốc thì những ổ voi, ổ trâu đó thực sự là những cái bẫy cực kỳ nguy hiểm với tính mạng của rất nhiều người và phương tiện đi lại.

Phải chăng, đổ lỗi cho khách quan để trốn tránh trách nhiệm trước chất lượng nhiều tuyến đường xuống cấp nhanh, nhằm duy trì thu phí đường - điều luôn được  ngành giao thông tiến hành nhanh, “chu đáo” và “có trách nhiệm”? Lẽ ra khi chất lượng đường đã kém, thì phải dừng thu phí để sửa cho xứng đồng tiền bát gạo người dân bỏ ra. Đằng này, bất chấp dư luận, việc thu phí vẫn tiến hành, cho đến khi đích thân Bộ trưởng Bộ GTVT phải chỉ đạo dừng thu phí từ hôm qua. Nếu không, mỗi ngày thu phí, số tiền thiệt hại của người dân là bao nhiêu, chắc chắn ngành giao thông biết rõ nhất.

Thiết nghĩ, những câu nói gây sóng gió, góp phần làm mất uy tín vốn đã rất mong manh của ngành giao thông như vừa qua, chính là sự thiếu trách nhiệm của một số quan chức trong ngành trước hậu quả họ phải chịu trách nhiệm. Hơn ai hết, ở các vị trí như ông Thành, ông Cường, họ biết rõ nguyên nhân đường hỏng do đâu và thay vì nhìn rõ để khắc phục, thì họ vòng vo, dối trá dư luận một cách cố ý. Họ quên rằng, người dân không ngu, đã vậy, còn có rất nhiều chuyên gia, các nhà quản lý các cấp sẽ nghe được ý kiến của họ, mà đánh giá trình độ, tinh thần trách nhiệm của họ.

Còn nếu những người có trách nhiệm về chất lượng những tuyến đường thực sự suy nghĩ như họ đã lý giải, chứng tỏ họ đã không đủ năng lực, trình độ để giữ vị trí đang có.

Thiết nghĩ, hơn lúc nào hết, lãnh đạo Bộ GTVT cần phải chấn chỉnh những thái độ vô trách nhiệm tương tự, để buộc những quan chức trong ngành phải hành xử có trách nhiệm, tôn trọng nhân dân, thay vì đưa những phát ngôn chối tai như thể họ là người kém hiểu biết lẫn thiếu tự trọng vậy!