Đồ họa dự án chôn tàu ngầm U-boat của công ty Hà Lan Van Oord. Video: Youtube.
Theo RT, 60 năm sau khi chiếc tàu ngầm U-boat nặng 2.400 tấn của Đức bị Hải quân Anh phóng ngư lôi đánh chìm ngoài khơi Na Uy, thủy ngân đựng trong các thùng phuy bị hoen rỉ trên tàu vẫn đang tiếp tục rò rỉ ra ngoài.
Các nhà khoa học xác định rằng mỗi năm, khoảng 4kg kim loại độc bị thải ra ngoài, gây ô nhiễm 30.000 mét vuông đáy biển, đầu độc nhiều loài cá. Tình hình này khiến cho chính phủ Na Uy buộc phải ban hành lệnh cấm tàu thuyền cũng như các hoạt động đánh bắt cá ở khu vực cách bờ biển của thành phố Bergen khoảng 3km.
Lo sợ tình hình trở nên tồi tệ hơn, Olso đã thuê công ty Van Oord của Hà Lan để chôn con tàu. Dự án chôn con tàu U-boat tiêu tốn 32 triệu USD (hơn 700 tỷ đồng), sử dụng 4,4 héc-ta đất, 100.000 tấn gạch đá để ngăn chặn việc rò rỉ, sẽ bắt đầu vào năm tới và hoàn thành vào năm 2020. Các nhà nghiên cứu cho biết, kỹ thuật này có tính hiệu quả cao và đã được sử dụng để khống chế 30 địa điểm nhiễm độc thủy ngân khác trong vòng 20 năm qua.
Tuy nhiên, quá trình chôn “Chernobyl dưới nước” – tên gọi mà nữ phát ngôn viên Cục Quản lý Ven biển Na Uy đặt cho còn tàu U-boat – chỉ là giải pháp kéo dài thời gian tạm thời. Kể cả khi được chôn, 65 tấn thủy ngân sẽ vẫn tiếp tục rò rỉ ra biển trong những thập kỷ tới. Do đó, nhiều tổ chức vận động đã yêu cầu chính phủ mang xác tàu lên trên bờ để xử lý. Tuy nhiên, Olso đã gạt bỏ đề xuất này vì cho rằng, các thùng đựng thủy ngân có thể bị vỡ khi di chuyển, gây thêm nguy hiểm môi trường.
Được biết, chiếc U-boat mang số hiệu U-864 đã bị Hải quân Anh đánh chìm vào đầu năm 1945. Chiếc tàu mang theo thủy thủ đoàn 73 người và các phần lắp ráp máy bay khi ấy đang di chuyển tới Nhật Bản. Mãi tới tháng 3.2003, sau khi được các ngư dân địa phương thông báo, Hải quân Hoàng gia Na Uy mới phát hiện xác tàu.